Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngọt ngào củ niễng

Giới thiệu chung Lịch sử - Văn hóa  
Ngọt ngào củ niễng
Cây niễng mọc hoang hoặc được trồng ngoài đầm nước, góc ao nhà.
Cuối tháng chín, đầu tháng mười âm lịch, chợ làng bắt đầu bán những chùm củ niễng tím ngắt. Người ta chèo những chiếc thuyền nhỏ trên đầm, bóc những chiếc lá niễng khô xác, ram ráp như lá mía để bẻ lấy những củ niễng trong lõi gốc. Bóc lớp bẹ vỏ tím đi là những củ niễng trở nên trắng tươi nõn nà mát mắt. Lũ trẻ chăn trâu hay lùa trâu lội xuống đầm bẻ củ, tách đôi nhai rau ráu. Củ niễng ăn sống ngọt lừ, mát ruột.
 
Mùa niễng đến, bao giờ nhà tôi cũng có bữa niễng xào. Có thể xào niễng với thịt bò, thịt heo, tim, cật... đập quả trứng vào cho thêm ngon ngọt. Nhưng theo ông tôi, ngon nhất là xào với cá quả (cá lóc). Bẻ niễng từ ao nhà, mẹ đi chợ xách về con cá quả lủng lẳng dây lạt. Cá làm sạch, mẹ lóc lấy thịt hai bên, thái mỏng, ướp chút muối, tiêu. Cá đồng tươi rói, những lát thịt trắng hồng ánh xà cừ trông thật ngon mắt. Hành, thì là, rau răm xanh ngắt. Củ niễng thái lát mỏng. Rồi mẹ phi hành thơm phức, cho cá vào đảo nhanh tay, nhẹ thôi để cá không bị nát. Đến "tiết mục" xào củ niễng, vị ngọt ngào bắt đầu lan tỏa với tiếng xèo xèo thật náo nức. Chảo niễng mềm, mẹ cho cá, hành, thì là vào đảo nhẹ. Chà! Vị thơm đậm đà của cá tươi, ngọt lừ của củ niễng quyện với mùi thì là, tiêu xay thơm phức. Bữa cơm ngày đầu đông sao mà ấm cúng. Đĩa xào bốc khói nóng hổi. Bố rót mời ông chén rượu trong vắt. Ông nâng ly, cầm đũa gắp, khà một tiếng thật vừa lòng...
 
Tôi xa quê, vẫn luôn cho rằng những gì từ bùn đất làng quê đều ngon ngọt đậm đà. Chẳng hiểu sao cứ nhớ cái đầm nước hoang vu đầu làng mùa đông xao xác.
 
Theo Phụ nữ TP HCM