Skip Ribbon Commands
Skip to main content

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Giới thiệu chung Điều kiện tự nhiên  
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
      1.1. Điều kiện tự nhiên

 

1.1. 1. Vị trí địa lý

Duy Tiên là một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Hà Nam, có 18 xã, thị trấn.

 Phía bắc giáp Hà Nội.

 Phía đông đối diện với thành phố Hưng Yên và huyện Kim Động của tỉnh Hưng Yên qua sông Hồng và huyện Lý Nhân.

Phía nam giáp huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý.

Phía tây giáp Hà Nội và huyện Kim Bảng. Tổng diện tích tự nhiên 12.100,35 ha.

 

Thị trấn Hòa Mạc là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của huyện, nằm trên tuyến Quốc lộ 38 nối liền Duy Tiên với huyện Kim Bảng và thành phố Hưng Yên. Ngoài ra huyện còn có thị trấn Đồng Văn nằm trên trục đường quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam, hiện nay khu công nghiệp tập trung của tỉnh đang được đầu tư xây dựng ở đây.

Huyện Duy Tiên nằm trong vành đai của Vùng đô thị Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 60 km, với việc hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam là yếu tố thuận lợi để Duy Tiên phát triển; là điều kiện quan trọng tạo lợi thế so sánh cho Duy Tiên trong việc mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế với các địa phương khác.

1.1.2. Địa hình, địa mạo

 

Huyện có địa hình đặc trưng của vùng đồng bằng thuộc khu vực châu thổ Sông Hồng chủ yếu là vàn, vàn cao và tương đối bằng phẳng. Nhìn chung địa hình của huyện khá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa và cây vụ đông. Địa hình của huyện được chia thành 2 tiểu địa hình.

- Vùng ven đê sông Hồng và sông Châu Giang bao gồm các xã Mộc Nam, Mộc Bắc, Châu Giang, Yên Nam, Đọi Sơn ... có địa hình cao hơn, đặc biệt là khu vực núi Đọi, núi Điệp thuộc các xã Đọi Sơn và Yên Nam.

- Vùng có địa hình thấp bao gồm các xã nội đồng như Tiên Nội, Tiên Ngoại, Yên Bắc chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của huyện; độ cao phổ biến từ 1-2 m, bằng phẳng, xen kẽ là các gò nhỏ, ao, hồ, đầm.

1.1.3. Khí hậu

 

Duy Tiên có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều thuộc khí hậu vùng đồng bằng Bắc Bộ chịu ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam, đặc điểm nổi bật nhất là sự tương phản giữa mùa đông và mùa hè, cả về tính chất phạm vi và cường độ của các trung tâm khí áp, các khối không khí thịnh hành và hệ thống thời tiết kèm theo cũng thay đổi theo mùa.

- Mùa mưa: Bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 10 với đặc trưng là nóng, ẩm và mưa nhiều. Hướng gió thịnh hành là gió Đông - Nam với tốc độ 2-4m/s. Nhiệt độ trung bình cao nhất 380C, lượng mưa từ 1.100-1.500 mm, chiếm 80% lượng mưa cả năm.

- Mùa khô: Bắt đầu từ giữa tháng 11 cho đến cuối tháng 3 năm sau, có khí hậu lạnh, ít mưa. Hướng gió thịnh hành là gió Đông – Bắc, thường gây lạnh đột ngột. Nhiệt độ trung bình thấp nhất là 150C, lượng mưa ít, chỉ đạt từ 15-20% lượng mưa cả năm.

Sau đây là một số yếu tố khí hậu chính của huyện:

- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm dao động 23,20C đến 24,6oC.

+ Về mùa đông, nhiệt độ trung bình là 20,1oC. Các tháng lạnh nhất trong năm là tháng 1, 12. Nhiệt độ thấp nhất tới 6 – 8oC.

+ Về mùa hè nhiệt độ trung bình là 28oC. Các tháng nóng nhất trong năm là tháng 6, 7. Nhiệt độ cao nhất đến 32 - 35oC.

+ Biên độ nhiệt trong ngày nhỏ hơn 100C

+ Lượng bức xạ mặt trời trung bình năm 100Kcal/cm2

+ Tổng tích ôn khoảng 8.3000C

- Lượng mưa: Lương mưa hàng năm từ 1.800-2.000 mm. Mưa tập trung vào các tháng 7, 8, 9 với gần 80% tổng lượng mưa trong năm. Ngày có lượng mưa cao nhất lên đến 200-250 mm.

- Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí trung bình trong cả năm dao động trong khoảng từ 83-85%. Các tháng có độ ẩm không khí cao là tháng 7 và tháng 8 (92%), thấp nhất vào các ngày có gió Tây Nam, có khi xuống dưới 80%.

- Nắng: Số giờ nắng trung bình năm 1.200-1.600 giờ, thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng và trồng được nhiều vụ trong năm. Mùa đông số giờ nắng chiếm trung bình 28% tổng số giờ nắng cả năm. Có tháng chỉ có 17, 9 giờ nắng, trời âm u, độ ẩm cao sâu bệnh phát triển ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp. Mùa hè có tổng số giờ nắng lớn. Các tháng có số giờ nắng cao là tháng 5, 6, 10.

- Gió, bão: Tốc độ gió trung bình 2 - 2,3 m/s. Trong năm có hai hướng gió thịnh hành: Mùa đông có hướng gió thịnh hành là Đông Bắc, với tần suất 60-70% và tốc độ gió trung bình thường từ 2,4 - 2,6 m/s; Mùa hè có hướng gió thịnh hành là hướng Đông Nam, với tần suất 50-70% và tốc độ gió trung bình đạt 1,9 - 2,2 m/s. Khi có bão đổ bộ tốc độ gió đạt gần 40 m/s.

 

1.1.4. Thuỷ văn

 

Duy Tiên có mạng lưới sông ngòi tương đối dày đặc với 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Châu Giang và sông Nhuệ với diện tích 864 ha, mật độ sông đạt 0,5 km/km2, mức ứ nước cao nhất là 0,5 m, thấp nhất là 0,1 m.

- Sông Hồng có lượng nước khá dồi dào là nguồn cung cấp nước chính cho tỉnh Hà Nam qua sông Nhuệ và các trạm bơm, cống ven sông. Chiều dài sông chạy qua tỉnh 38,64 km tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Hà Nam với tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, hàng năm bồi đắp phù sa cho diện tích đất ngoài đê và cho đồng ruộng qua hệ thống bơm tưới từ sông Hồng.

- Sông Châu Giang đi qua địa phận huyện từ Bạch Thượng qua đập Phúc và nối với sông Đáy tại Phủ Lý dài 28 km, đồng thời là ranh giới tự nhiên của huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân. Trên sông có đập ngăn nước làm nhiệm vụ tưới tiêu cho các vùng đất trong huyện.

- Sông Nhuệ là sông đào nối sông Hồng tại Hà Nội và hợp lưu với sông Đáy tại Phủ Lý. Đoạn qua Duy Tiên dài 13 km, sông có tác dụng tiêu nước nội vùng đổ ra sông Đáy vào mùa mưa và tiếp nước cho sản xuất vào mùa khô.

Ngoài 3 sông chính, huyện còn có mạng lưới các sông ngòi nhỏ với các ao, hồ, đầm là nguồn bổ sung và dự trữ rất quan trọng khi mực nước các sông chính xuống thấp, đặc biệt vào mùa khô hạn.

 

1.2. Các nguồn tài nguyên

 

1.2.1. Tài nguyên đất

a. Nhóm đất phù sa

Loại đất này được hình thành trên trầm tích của sông Hồng, sông Châu Giang, còn thể hiện rõ các đặc tính xếp lớp của trầm tích, thỏa mãn yêu cầu của vật liệu phù sa được xếp vào nhóm đất phù sa, được chia ra thành 4 loại sau:

 

* Đất phù sa glây: Loại đất này có diện tích 2.067,24 ha (chiếm 31,74% diện tích của nhóm)  có nhiều ở các xã Yên Bắc, Châu Giang, Tiên Ngoại, Hoàng Đông, Tiên Nội ... Là những đất phù sa phân bố ở những nơi có địa hình thấp, thường bị ngập nước hoặc tiêu chậm vào mùa mưa.

Khả năng sử dụng: Đây là loại đất có độ phì nhiêu tự nhiên tương đối khá, tuy nhiên có hạn chế do khả năng tiêu nước vào mùa mưa nên cũng ảnh hưởng tới chế độ canh tác cũng như hiệu quả sử dụng đất. Hiện tại, trên các loại đất này chủ yếu là gieo trồng 2 vụ lúa, và một số nơi chỉ trồng 1 vụ lúa. Nếu cải tạo tốt hệ thống tiêu nước vào mùa mưa có thể gieo trồng cả 3 vụ.

 

* Đất phù sa có tầng sét biến đổi: Đất phù sa có tầng sét biến đổi có khoảng 662 ha (chiếm 10,16% diện tích của nhóm) (gọi ngắn gọn là tầng biến đổi), phân bố rải rác ở nhiều xã trong huyện; có nhiều ở các xã: Thị trấn Đồng Văn, Hoàng Đông, Tiên Nội,..

Loại đất này thường phân bố trên các chân ruộng vàn, là đất phù sa được hình thành do quá trình canh tác, đặc biệt là quá trình thủy lợi hóa đã làm tầng đất dưới có những biến đổi về cấu trúc, mầu sắc và hàm lượng hữu cơ và thiếu những đặc tính để có thể trở thành các tầng chẩn đoán khác.

Khả năng sử dụng: Đất phù sa có tầng biến đổi có thể sử dụng cho nhiều loại cây trồng, thích hợp cho việc phát triển cây lúa, mầu. Hiện nay đang sử dụng nhiều loại cây trồng khác nhau với các hiệu quả kinh tế khác nhau.

 

* Đất phù sa chua: Đây là loại đất chiếm diện tích lớn, khoảng 2.159 ha (chiếm 33,15% diện tích của nhóm), phân bố tại hầu hết các xã, chiếm diện tích lớn ở các xã: Châu Giang, Yên Nam, Yên Bắc, Duy Minh, Trác Văn, Châu Sơn,...

Loại đất này trước đây là loại phù sa sông Hồng ít chua, sau đó do địa hình, trong điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa mùa ở nước ta, nước đã rửa trôi dần các chất kiềm làm cho đất trở nên chua, đặc biệt là lớp đất mặt. Đồng thời với quá trình rửa trôi đất, còn thấy hiện tượng kết von khá phổ biến. Kết von thường mềm, mầu nâu đen xuất hiện khá sâu (80 - 100 cm). Tầng kết von tập trung thường có độ pH cao hơn trên và dưới. Kết von này có thể chủ yếu là do trong vụ hanh khô đất phơi trơ trọi, nước mạch bốc hơi đưa sắt và mangan lên tầng trên bị oxy hóa mà hình thành.

Khả năng sử dụng: Nhìn chung đây là loại đất mang bản chất phù sa mầu mỡ, song do quá trình khai thác, sử dụng lâu đời, cộng với việc khai thác không có bồi dưỡng trở lại cho đất đã làm giảm độ phì nhiêu của đất.

 

* Đất phù sa ít chua: Loại đất này có diện tích 1.625 ha (chiếm 24,95% diện tích của nhóm), phân bố nhiều ở các xã Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Trác Văn, Đọi Sơn, Tiên Phong,... dọc sông Hồng và sông Châu Giang.

Loại đất này hình thành do sự bồi đắp thường xuyên của phù sa hệ thống sông Hồng, với bản chất của phù sa là trung tính, kiềm yếu, đất tốt. Một số diện tích đất loại này nằm trong đê, mặc dù không được bồi đắp thường xuyên nhưng vẫn giữ được tính chất trung tính ít chua, là do đất nằm ở độ cao trung bình trong mỗi khu vực không cao quá để bị rửa trôi mạnh, cũng không thấp quá để bị glây.

Khả năng sử dụng: Loại đất này chủ yếu nằm dọc theo sông Hồng và sông Châu Giang, có độ phì nhiêu khá, thích hợp với nhiều loại cây trồng đặc biệt là các loại rau mầu, năng suất các cây trồng trên loại đất này khá cao.

 

b. Nhóm đất glây

Nhóm đất glây được chia ra thành 2 loại đất: Đất glây sẫm mầu có 79 ha (chiếm 4,30% diện tích của nhóm) và Đất glây chua có 1.760 ha (chiếm 95,70% diện tích của nhóm).

Loại đất glây được sử dụng chính với mục đích trồng lúa, một vài nơi kết hợp nuôi trồng thủy sản, có nhiều tại các xã Tiên Nội, Tiên Ngoại, Bạch Thượng, Yên Bắc, Mộc Nam, Yên Nam…

Đất hình thành trên trầm tích phù sa, không được bồi đắp phù sa trong thời gian dài, thường phân bố ở những nơi có địa hình thấp, bị đọng nước thường xuyên, có mực nước ngầm nông.

Khả năng sử dụng: Do có yếu tố hạn chế về ngập nước thường xuyên và sự xuất hiện tầng glây nông, trên những loại đất này hiện tại chỉ gieo trồng được một hoặc hai vụ lúa. Trên loại đất này một số nơi đã chuyển đổi cơ cấu mùa vụ sang lúa - cá đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu cải thiện được hệ thống tưới tiêu, có thể chuyển diện tích một vụ sang hai vụ lúa, thậm chí có thể gieo trồng cả ba vụ. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, có nơi nên cải tạo hệ thống tưới tiêu để thâm canh tăng vụ nhưng cũng có nơi nên phát triển kết hợp giữa trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.

c. Nhóm đất tầng mỏng


Nhóm đất tầng mỏng (LP) có diện tích nhỏ, không đáng kể, xuất hiện ở một vài quả đồi thuộc xã Yên Nam với khoảng 5 ha, chiếm 0,04% diện tích tự nhiên. Loại đất này hình thành trên khu vực đồi dốc, thảm thực vật che phủ kém, quá trình rửa trôi xói mòn xảy ra mạnh mẽ. Nhóm đất này chỉ có duy nhất 1 loại đất chính là đất tầng mỏng chua, đất có thành phần cơ giới là thịt pha cát, tầng đất mỏng, hàm lượng mùn và đạm thấp. Do đó có ý nghĩa cho sử dụng vào mục đích nông nghiệp, trên loại đất này chỉ trồng rừng kết hợp với các biện pháp chống xói mòn bảo vệ đất.

Đánh giá chung: Đất đai huyện Duy Tiên có địa hình tương đối bằng phẳng, hàm lượng các chất dinh dưỡng ở mức trung bình khá là một trong những điều kiện thuận lợi cơ bản để phát triển một nền nông nghiệp đa dạng và bền vững trên cơ sở áp dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật.

1.2.2. Tài nguyên nước

 

Tài nguyên nước của huyện Duy Tiên được nhìn nhận và đánh giá trên cơ sở nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm.

 

Nguồn nước mặt: Chủ yếu là nước sông, hồ, ao, trong đó: sông Hồng, sông Châu Giang và sông Nhuệ là nguồn cung cấp nước chính. Về mùa mưa do ảnh hưởng của mưa lớn tập trung gây ra tình trạng ngập úng cục bộ đối với những vùng đất thấp trũng. Mặt khác huyện còn có mạng lưới kênh rạch nhỏ và ao, hồ khá dày đặc là nguồn cung cấp, dự trữ quan trọng khi mực nước các sông chính xuống thấp, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài ra lượng nước mưa hàng năm cũng là nguồn cung cấp nước cho sinh hoạt nhân dân.

 

Nguồn nước ngầm:  Qua khảo sát ban đầu cho thấy huyện có nguồn nước ngầm khá dồi dào ở độ sâu dễ khai thác. Nồng độ sắt trong nước khá cao và có xu hướng tăng dần theo hướng từ Đông sang Tây. Duy Tiên có nguồn nước ngầm đặc trưng của vùng châu thổ sông Hồng với hai tầng nước ngầm hệ Thái Bình và hệ Hà Nội.

- Tầng chứa nước Holoxen Thái Bình có chiều dày nhỏ, là tầng chứa nước đầu tiên ngay trên mặt đất. Khu vực có thể sử dụng được chỉ chiếm 50% diện tích (lượng khoáng hoá <1mg/lít).

- Tầng chứa nước Pleistoxen thuộc hệ tầng Hà Nội có chất lượng nước biến thiên từ mặn đến nhạt, tầng chứa nước có chiều dày từ 10 – 15 m. Nồng độ sắt trong nước tăng dần theo chiều từ biển vào đất liền.

Nói chung, nguồn nước của huyện dồi dào và dễ khai thác đưa vào sử dụng. Chất lượng nước mặt khá tốt, nước ngầm nếu khai thác đưa vào sử dụng phải qua quá trình xử lý làm sạch.

 

1.2.3. Tài nguyên khoáng sản

Vùng đất ven sông Châu Giang, có các mỏ sét ruộng ở độ sâu từ 0,5 - 1,5m, được khai thác sử dụng làm vật liệu xây dựng. Ngoài ra, ở bãi bồi sông Hồng, các vùng ruộng trũng còn có sét trầm tích dày từ 1- 3m có thể khai thác, sử dụng.

Ở một số xã nằm sát sông Hồng còn có thể khai thác cát phục vụ cho xây dựng, san lấp, tuy nhiên trữ lượng không nhiều và phụ thuộc vào dòng chảy hàng năm của sông.

 

          1.3. Thực trạng môi trường

Với địa hình tương đối bằng phẳng, ruộng đồng và các điểm dân cư phân bố hài hoà. Cơ sở hạ tầng được xây dựng mang đậm nét đặc trưng của làng xã vùng đồng bằng sông Hồng từ hình thái kiến trúc đến tập quán sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Đan xen trong làng xóm có hàng trăm ngôi đình, đền, chùa, nhà thờ xứ, nhà thờ họ mang dấu ấn kiến trúc của các thời kỳ lịch sử như chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang là một kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nơi thờ ba vị tướng đời Hùng và vợ chồng Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa .... Cùng với các công trình văn hoá phúc lợi, nhà ở, đường làng ngõ xóm được xây dựng mới, những làng nghề truyền thống, những phong tục tập quán, lễ hội ... được khôi phục đã tạo cho Duy Tiên những nét tiêu biểu của một vùng nông thôn trong thời kỳ đổi mới.

Duy Tiên đang trong thời kỳ phát triển, môi trường sinh thái hiện nay đã bị tác động bởi nước thải công nghiệp, rác thải dân cư, ô nhiễm môi trường không khí do xây dựng, khí thải công nghiệp, giao thông… Bên cạnh đó, do việc sử dụng phân hoá học, thuốc trừ sâu cũng gây tác hại không nhỏ đến môi trường nước, đất, không khí. Trong giai đoạn tới cùng với thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn cần có biện pháp hạn chế sự ô nhiễm môi trường trên địa bàn từng xã và cả huyện.

Kết quả phân tích trong năm 2010 cho thấy sông trên địa bàn huyện Duy Tiên bị ô nhiễm chất dinh dưỡng nặng thể hiện qua nộng độ NH4+  khá cao tại vị trí trạm bơm Hoành Uyển dao động trong khoảng 1,19- 5,6 mg/l-N, tại vị trí cầu Hòa Mạc dao động trong khoảng 0,56-1,83 mg/l-N vượt nhiều lần giới hạn cho phép. Nồng độ các chất hữu cơ như COD, BOD5 cũng vượt giới hạn cho phép, cụ thể tại trạm bơm Hoành Uyển nồng độ COD trung bình là 26mg/l vượt giới hạn 1,73 lần, nồng độ BOD5 là 16mg/l vượt 2,67 lần; tại cầu Hòa Mạc nồng độ COD trung bình là 35mg/l vượt 2,3 lần, nồng độ BOD5 trung bình là 23mg/l vượt giới hạn 3,8 lần. Hàm lượng Coliform trung bình tại trạm bơm Hoành Uyển vượt giới hạn 6,38 lần và tại cầu Hòa Mạc vượt 1,67 lần. NO2- tại các vị trí lấy mẫu đều vượt giới hạn cho phép.