Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Quy định về sử dụng pháo hoa

Thông tin cần biết  
Quy định về sử dụng pháo hoa
Pháo hoa là một "đặc sản" không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết quan trọng trong năm. Vì vậy, câu hỏi về các loại pháo hoa được phép sử dụng là điều mà rất nhiều người đang cùng quan tâm.

 

Theo Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP ký ngày 27/11/2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 11/01/2021, thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP ngày 15/4/2009 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo), các trường hợp được sử dụng pháo hoa bao gồm:

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.


Ảnh minh họa.

Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Ngoài ra, Khoản 1 Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ. Trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP.

Hiện trong nước chỉ có Công ty TNHH Một thành viên hoá chất 21 (nhà máy Z121) thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đóng quân trên địa bàn thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ là nơi duy nhất được giao sản xuất, cung ứng pháo hoa.

Căn cứ theo Quyết định 1044/QĐ-HC21 ngày 11/01/2022 của nhà máy Z121, danh sách các loại pháo hoa gồm Ống phun nước bạc ngoài trời; Ống phun nước bạc trong nhà; Ống phun hoa lửa cầm tay; Cây hoa lửa; Cánh hoa xoay; Thác nước bạc; Pháo hoa con sò đổi màu; Giàn phun viên.

Tuy nhiên, ngày 17/01/2022, đại diện Nhà máy Z121 đã có thông báo về việc tạm dừng bán sản phẩm giàn phun hoa do chờ đánh giá yêu cầu kỹ thuật về độ ồn đối với sản phẩm này. Yêu cầu cửa hàng kiểm kê, niêm phong để nhà máy thu hồi. Người dân chỉ được bắn pháo hoa khi mua tại nhà máy Z121, do đó, việc sử dụng các loại pháo hoa khác trái phép là vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt.

Cụ thể, Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ký ngày 31/12/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022) quy định phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

Nghị định 144 cũng quy định mức phạt với các vi phạm về quản lý sử dụng pháo khác như sau:

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng với hành vi lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo không còn giá trị sử dụng.

Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo; Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo.

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo.

Phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng đối với hành mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tốt nhất không tổ chức bắn pháo hoa, nếu làm phải đảm bảo tuân thủ quy định 5K, không tập trung đông người khu vực bắn./.




 Nguồn tin: dangcongsan.vn


dangcongsan.vn
Tin liên quan