Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gặp gỡ những nông dân “công nghệ cao” ở Duy Tiên

Thông tin cần biết  
Gặp gỡ những nông dân “công nghệ cao” ở Duy Tiên
Vào một ngày đầu xuân mới 2019, được sự giới thiệu của Hội Nông dân huyện tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với những nông dân “công nghệ cao” của huyện Duy Tiên. Họ là những người mạnh dạn, đi đầu trong ứng dụng công nghệ mới vào chăn nuôi, không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương góp phần tăng hộ khá giàu, giảm hộ nghèo bền vững.

Đã có hẹn từ trước nên tôi được ông chủ trang trại chăn nuôi lợn có quy lớn nhất, nhì của huyện Duy Tiên - ông Nguyễn Văn Lập ở xóm Điện Biên, xã Chuyên Ngoại tiếp đón niềm nở. Trước khi bước vào trang trại, tôi đã được hướng dẫn các bước vệ sinh vô trùng như phải mặc đồng phục, đeo khẩu trang, đi ủng do trang trại trang bị và phải đi qua bồn khử khuẩn trước khi vào khu vực chăn nuôi. Tại nơi tiếp khách của trang trại, anh Lập giải thích: sở dĩ phải làm thế là bởi trang trại áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi khỏi tác động của dịch bệnh từ bên ngoài. Qua câu chuyện, anh Lập cho biết; Hiện gia đình anh đang nuôi 120 con lợn nái, 1.500 con lợn thịt được quy hoạch làm 2 khu riêng biệt trên diện tích 7 ha. Hệ thống chuồng trại được đầu tư theo quy mô khép kín và sử dụng công nghệ tiên tiến. Dẫn tôi đi tham quan một vòng khu chuồng trại, tôi không khỏi bất ngờ vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa môi trường tự nhiên bên ngoài và bên trong chuồng nuôi. Khoảng cách từ đầu đến cuối dãy chuồng được bố trí hợp lý, chiều ngang trên 10m, sau cùng là hệ thống quạt hút công suất lớn tạo thành những làn gió mát thổi từ đầu đến cuối chuồng. Bên trong chuồng có nhiều ô, với hệ thống máng ăn, nước uống hoàn toàn tự động nhằm bảo đảm vệ sinh và quan trọng hơn là không làm lãng phí thức ăn, nước uống. Công nghệ này, giúp trang trại luôn sạch sẽ không có mùi hôi và ruồi, muỗi hạn chế dịch bệnh đến 80%. Chính vì vậy đợt dịch lở mồm long móng vừa qua, trang trại lợn nhà anh không bị ảnh hưởng, chất lượng thịt luôn đảm bảo. Với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, không chỉ gia tăng giá trị thu nhập cho gia đình anh Lập mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững. Theo anh Lập cho biết; mỗi năm trang trại nhà anh xuất bán khoảng 350 tấn lợn hơi. Nếu giá ổn định anh thu nhập khoảng 3,5 tỷ đồng/năm. Giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 công nhân địa phương với mức lương từ 5 triệu đến 5 triệu rưỡi/tháng. Qua gần chục năm chăn nuôi theo công nghệ mới đã đem lại lợi nhuận cao hơn gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; chất lượng thịt đảm bảo, tạo được nguồn cung ra thị trường tốt hơn, chủ yếu là các chợ đầu mối ở Hà Nội và trang trại nhà anh Lập đang hướng tới cung cấp nguồn thịt lợn sạch cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Rời trang trại chăn nuôi của gia đình anh Lập, tôi đến thăm trang trại gà đẻ của anh Nguyễn Văn Toan ở thôn Điệp Sơn, xã Yên Nam. Dừng tay xếp trứng vào các khay chuẩn bị xuất bán cho lái buôn Hà Nội, anh Toan hồ hởi mời khách vào nhà. Không dấu nổi niềm vui anh cho biết: Giá trứng mặc dù đang chững nhưng bù lại vài tháng trước giá trứng tăng nên thu nhập từ chăn nuôi của gia đình anh vẫn ổn định. Hiện anh đang nuôi 10 ngàn con gà, trong đó 7000 gà đẻ, 3000 gà hậu bị, trung bình mỗi tháng, anh xuất bán khoảng 18.000 quả trứng với giá giao động từ 13 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/một chục quả, trừ chi phí thu lãi từ vài trăm triệu đồng/năm. Đạt được hiệu quả như vậy là do anh đã mạnh dạn đầu tư mô hình ứng dụng công nghệ cao; là thay đổi chuồng trại hở thành trại kín với số vốn đầu tư hơn 2 tỉ đồng, xây dựng hai trại có diện tích 1000 m2, với hệ thống chuồng kiên cố, xây bằng bê tông, khung thép, hệ thống máy lạnh làm mát không khí, với những chiếc quạt công suất lớn, hệ thống cho ăn, nước uống tự động. Theo kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm của anh Toan; Để gà đẻ đạt năng suất cao thì việc chọn giống, thức ăn phù hợp, tiêm vắc-xin đúng thời gian quy định, vệ sinh chuồng trại đúng quy trình luôn được anh tuân thủ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, nguồn điện ổn định cũng là điều rất quan trọng để bảo đảm cho hệ thống làm mát hoạt động liên tục. Chính vì thế, trang trại gà nhà anh rất ít khi bị dịch bênh. Nếu so sánh với cách nuôi thông thường thì việc đầu tư nuôi gà công nghệ hiệu quả khá cao.

Theo ông Đinh Đức Cảnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Hiện toàn huyện có khá nhiều mô hình nông dân làm kinh tế giỏi nhưng việc áp dụng công nghệ mới vào chăn nuôi gia súc, gia cầm như anh Lập, anh Toản vẫn còn ít. Bởi không phải ai cũng có thể làm được. Ngoài kinh nghiệm chăn nuôi cũng cần phải có nguồn lực và sự mạnh dạn, dám đầu tư thì mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hội nông dân huyện luôn khuyến khích và hỗ trợ người nông dân phát triển mô hình này, Vì đây sẽ là mô hình mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân trên chính mảnh đất quê hương.

Rời trang trại của anh Lập, anh Toan cũng là lúc xế chiều, tôi thật sự nể phục sự sáng tạo trong cách làm kinh tế của họ. Bởi chỉ có những người mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm chủ công nghệ mới có thể thành công với hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Một mùa xuân mới lại về, mong rằng huyện Duy Tiên ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi “công nghệ cao" như anh Lập, anh Toan để bức tranh kinh tế của huyện nhà ngày càng khởi sắc./.


Ánh Tuyết(Đài TT Duy Tiên)