Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Công an Hà Nam: Cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm “Tín dụng đen” qua các APP, website, các trang mạng xã hội, ...

Thông tin cần biết  
Công an Hà Nam: Cảnh báo thủ đoạn hoạt động của tội phạm “Tín dụng đen” qua các APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền
Thời gian qua, các lực lượng Công an Hà Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh mạnh với tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, đã điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”, góp phần làm trong sạch địa bàn. Tuy nhiên, để che mắt cơ quan Công an, các nhóm tội phạm ‘tín dụng đen” lợi dụng sự phát triển của công nghệ, lập ra các APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến trên không gian mạng, tiếp cận người vay và cho vay với lãi xuất “cắt cổ”, gây nên những hệ lụy khó lường, khiến người dân bức xúc.


Ảnh minh hoạ
 

Ứng dụng vay tiền trực tuyến là một hình thức cho vay dưới dạng tín chấp, người vay không cần tài sản bảo đảm, không cần thế chấp hay chứng minh thu nhập, chỉ cần dựa vào uy tín của người vay về khả năng trả nợ để cho vay. Với hình thức này, người vay và người cho vay không gặp nhau, giao dịch được thực hiện trực tuyến nhanh chóng, tiện lợi thông qua các trang Web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại di động thông minh (smart phone); người vay chỉ cần một số thao tác đăng ký thủ tục đơn giản trên máy tính, điện thoại thông minh là có thể dễ dàng vay được tiền.

Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, các nhóm tội phạm “tín dụng đen” đã lập ra các APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến trên không gian mạng, tiếp cận người vay và cho vay với lãi xuất “cắt cổ”. Chúng sử dụng tờ rơi, thông qua các trang mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện, chạy video quảng cáo... nhằm kêu gọi, lôi kéo nhiều người tham gia với những nội dung như: Thủ tục vay tiền đơn giản, nhanh gọn, lãi suất "hấp dẫn", miễn phí lãi suất lần đầu vay, vay không cần thế chấp, giải ngân ngay qua tài khoản ngân hàng, thậm chí thông qua vài cuộc điện thoại đã có thể vay được tiền.

Sau khi lôi kéo, dụ dỗ được người có nhu cầu, các đối tượng chủ động liên hệ qua trang mạng xã hội như: Zalo, facebook... tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Chúng cung cấp đường link tải ứng dụng vay tiền trên điện thoại di động, hướng dẫn người dùng cài đặt ứng dụng, điền các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và yêu cầu cho phép ứng dụng truy cập vào danh bạ điện thoại để thu thập các thông tin liên quan phục vụ mục đích đòi nợ. Và dùng mọi thủ đoạn để "bẫy" người vay bằng các khoản chi phí không rõ ràng, như: Lãi suất, phí, tiền phạt vi phạm hợp đồng và các loại hình phạt chậm trả lãi..., dẫn đến mức lãi suất "cắt cổ", lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1.000% , khiến người vay dễ dàng rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi phải trả thậm chí gấp nhiều lần số tiền gốc.

Thực tế khách hàng của các ứng dụng này chủ yếu là học sinh, sinh viên, công chức, người thu nhập thấp, đang có nhu cầu vay tiền nhưng có tâm lý ngại đến giao dịch tại các tổ chức tín dụng, ngân hàng có uy tín, ngại làm những thủ thục hành chính liên quan. Với các chiêu trò đánh trúng tâm lý, nhu cầu của người dân, không ít người đã “sập bẫy” tín dụng đen. Sau khi hoàn tất “thủ tục” vay, đến hẹn trả lãi, người vay tiền không trả hoặc trả không đủ, chúng gọi điện liên tục đòi nợ, dùng những lời lẽ để lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người vay, hoặc sử dụng thông tin cá nhân, danh bạ, tài khoản mạng xã hội của người vay “khủng bố” người thân, anh em, bạn bè, đồng nghiệp, đối tác làm ăn..., sẵn sàng gây sức ép đối với tất cả những người có liên quan đến con nợ.

Nhiều người không hề vay mượn bất kể khoản tiền nào, nhưng chúng vẫn gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa. Nghiêm trọng hơn, chúng còn sử dụng hình ảnh cá nhân cắt ghép hình ảnh đăng tải các thông tin bịa đặt, vu khống, để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán lên mạng xã hội Zalo, Facebook... để tạo áp lực ép người vay phải trả tiền. Lý do nhiều trường hợp “bỗng” bị đòi nợ là do thông tin của họ nằm trong danh bạ của người vay tiền. Ngoài ra, chúng còn dùng thủ đoạn in tờ rơi rải khắp nơi cư trú của người vay, gây ảnh hưởng phức tạp đến tình hình ANTT ở các địa bàn.

Để phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống loa phát thanh..., cảnh báo các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, hậu quả, hệ lụy do “tín dụng đen” gây ra.

Thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân nâng cao cảnh giác, nhận diện, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, nhất là thủ đoạn hoạt động cho vay qua các APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến trên không gian mạng. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự; Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là chủ công phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội kết hợp với phòng ngừa nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng hình sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư… nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”. Tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tập trung đánh trúng, đánh mạnh, triệt phá các ổ nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính vi phạm pháp luật.

Kết quả, từ đầu đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 (từ 15/11/2022) đến nay, Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố 04 vụ, 04 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; xử lý hành chính 04 vụ, 04 đối tượng về các hành vi liên quan đến “tín dụng đen”.

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng rất cần sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể, sự hợp tác, trách nhiệm của mỗi gia đình, quần chúng nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, thì người dân cần hết sức tỉnh táo không nên vay, mượn tiền qua các APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền. Đồng thời cơ quan Công an đề nghị người dân, khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây liên quan đến việc cho vay qua APP, website, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền..., hoặc những ai là nạn nhân của “tín dụng đen” cần kịp thời tố giác, trình báo ngay với Công an địa phương để kịp thời ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật./.



T/h: CA Hà Nam/ hanamtv.vn




Hanamtv.vn