Vốn thích kinh doanh nên mặc dù tốt nghiệp Đại học Mỏ địa chất, ngành Tự động hóa, nhưng anh Phạm Văn Thắng không theo ngành đã học mà bước vào con đường kinh doanh như một cái duyên đã định. Qua trao đổi được biết: Ngay từ những năm đang học đại học, anh đã vừa học, vừa đi gom đơn và giao hàng bánh kẹo thuê cho một cửa hàng tại Hà Nội, có lẽ vì thế mà từ đó anh bén duyên với nghề kinh doanh và nhận thấy ô mai là một mặt hàng được nhiều người ưa thích, nhất là giới trẻ, anh đã mạnh dạn thuê một cửa hàng chuyên nhập các loại ô mai về bán, với thương hiệu “Hà Nội xưa". Do có năng lực bán hàng nên cửa hàng của anh cũng khá đông khách và dần tạo được nhiều mối làm ăn lâu dài. Không dừng lại ở việc kinh doanh ô mai, anh Thắng thấy ở quê mình có nhiều sản phẩm nông sản như ngô, mít, sấu, lạc…đều có thể chế biến thành những sản phẩm khô đưa ra thị trường và anh tin sẽ thu hút được lượng khách hàng lớn, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên. Chính vì thế, năm 2016 anh đã mạnh dạn vay vốn thành lập Công ty Cổ phần thực phẩm Mai Chi, mặt hàng sản xuất chính vẫn là ô mai và mở rộng thêm sản phẩm kẹo lạc, kẹo zồi, ngô, mít sấy, ban đầu thị trường chính là Hà Nội. Với sự chủ động học hỏi, tham khảo và học thêm kỹ thuật chế biến, chỉ sau vài năm khởi nghiệp, các sản phẩm của công ty luôn được người tiêu dùng đón nhận sử dụng như những món quà quê đặc sản đầy ý nghĩa nên doanh số bán ra khá ấn tượng, thị trường ngày càng được mở rộng ra khắp các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Đến nay, nguồn cung cấp các thành phẩm cho công ty tại địa phương không đủ, anh phải nhập từ các tỉnh lân cận mới đáp ứng được nguồn cung ra thị trường.
Chia sẻ về những năm đầu khởi nghiệp anh Thắng tâm sự: “Bắt đầu kinh doanh thương hiệu “Hà Nội xưa" em muốn gắn liền với địa danh mà mình đã từng khởi nghiệp ở đó. Trước khi bước vào kinh doanh chưa có định hướng gì cả, nhưng sau này có bán sản phẩm về nông nghiệp thấy rất là hay và bền vững, sức cạnh tranh ít, em mới có ý tưởng về sản xuất. Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn khi ra những sản phẩm mới gặp nhiều rủi ro. Trong quá trình phát triển cũng hoàn thành được sản phẩm và hiện tại công ty em tiêu thụ rất nhiều sản phẩm trong nước; tại các siêu thị tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, các sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, chính vì vậy cũng là động lực để phát triển hơn nữa". Bằng sự uy tín, chất lượng, sản phẩm của công ty anh Thắng bán ra thị trường ngày càng nhiều thậm chí có thời điểm nguồn cung không đủ nhu cầu tiêu thụ. Chính vì vậy, lượng lao động làm việc tại công ty cũng tăng lên, hiện có trên 20 lao động chính làm việc thường xuyên, với mức lương từ 5 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng và được trang bị bảo hộ lao động theo quy định, được hỗ trợ đóng bảo hiểm theo luật doanh nghiệp. Chị Đào Thị Bích Hà là công nhân chuyên đóng gói các loại sản phẩm của công ty phấn khởi chia sẻ: “Tôi làm việc với công ty đã 5 năm, công việc của chúng tôi ở đây rất nhẹ nhàng và không ảnh hưởng đến sức khỏe, lương cũng ổn định, mong công ty tiếp tục phát triển và tạo việc làm cho nhiều lao động hơn nữa".
Ngoài lao động chính, lao động thời vụ cũng lên đến vài chục người, chủ yếu là người địa phương, công việc nhẹ nhàng phù hợp với cả người già. Bác Vũ Thị Toan 75 tuổi đang ngồi bóc bẹ ngô vui vẻ nói: “chúng tôi giờ làm việc nặng không được, công ty cháu Thắng tạo việc làm nhẹ nhàng như này, chúng tôi có đồng ra đồng vào".
Với sự nhạy bén nắm bắt thị trường, anh Phạm Văn Thắng đã vươn lên trở thành một nhà kinh doanh các mặt hàng nông sản có tiếng trong vùng. Từ một cửa hàng sản xuất và bán nhỏ lẻ, giờ anh đã thành lập được công ty của riêng mình. Ban đầu với khoảng 20 vị ô mai các loại, nay anh đã sưu tầm, học hỏi làm ra trên 100 vị ô mai các loại bán ra thị trường và có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao gồm; Ngô nếp tươi sấy, Sấu chua ngọt, Mứt táo xanh, Kẹo sừng Trâu. Ngoài các mặt hàng trên, anh còn làm thêm: Sốt Me hải sản, Mè rang và một số loại nước sốt khác. Dự kiến trong năm nay, công ty của anh đăng ký thêm 4 sản phẩm đạt OCOP nữa.
Với những nỗ lực và sáng tạo trong làm ăn, năm 2017, các sản phẩm của anh Thắng được UBND tỉnh trao giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu và đạt tốp 50 thương hiệu tin cậy sản phẩm chất lượng, dịch vụ tận tâm được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam công nhận. Doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại quy mô sản xuất như hiện nay, anh Thắng còn mong muốn mở rộng thêm cơ sở sản xuất với hệ thống máy móc hiện đại hơn trong thười gian tới, anh cho biết thêm: “Trong thời gian tới, công ty đang nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm nông sản, mong muốn cấp ủy, chính quyền hỡ trợ quỹ đất xây dựng được nhà máy đạt chuẩn để xuất khẩu sang các nước. Hiện tại ở trong nước công ty cung cấp tương đối ổn định và mở rộng vùng nguyên liệu, đáp ứng được nhu cầu của công ty".
Không chỉ khởi nghiệp thành công từ chế biến các sản phẩm nông sản, anh Phạm Văn Thắng còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và là Hội viên Hội Nông dân xã Mộc Nam, được Hội Nông dân thị xã đề nghị Hội Nông dân và UBND tỉnh tuyên dương khen thưởng hộ sản xuất kinh doanh giỏi năm 2022.
Đánh giá về mô hình làm kinh tế giỏi của anh Thắng, ông Đặng Hùng Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mộc Nam cho biết: “Với mô hình sản xuất các sản phẩm từ nông sản của hội viên Phạm Văn Thắng, là mô hình đang phát triển mạnh, với các sản phẩm của anh được thị trường đón nhận nhiều. Mô hình này, anh Thắng đã nhận giúp đỡ 3 hộ hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn làm việc tại công ty. Hội nông dân xã cũng đang đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho mô hình phát triển kinh tế của anh Thắng".
Quả thực, với sự mạnh dạn, tự tin và nhạy bén với thị trường, lại có duyên với nghề kinh doanh nên từ một anh chàng sinh viên năm nào, giờ anh Phạm Văn Thắng đã trở thành giám đốc công ty khi tuổi đời còn rất trẻ, mới ngoài 30. Đi lên bằng chính nghị lực của mình, với những sản phẩm nông nghiệp sẵn có tại quê hương, giờ đây Công ty cổ phần thực phẩm Mai Chi với thương hiệu “Hà Nội xưa" được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tin tưởng rằng, với những bước đi mới công ty của anh Thắng sẽ ngày càng phát triển hơn trong tương lai và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động trên địa bàn./.
Bài viết: Ánh Tuyết