6-Tác động ngày càng mạnh và sâu sắc đến tâm lực con người: Nói đến phương diện tâm lực tức là nói đến phương diện đạo đức, các phẩm chất xã hội của con người trong cuộc sống. Một khi nền sản xuất, đời sống kinh tế, các quan hệ xã hội và trí lực con người thay đổi trên nhiều phương diện khác nhau thì các quy tắc, chuẩn mực, đời sống tâm lực nói chung không thể không biến đổi. Tính chất phức tạp của các biến đổi trong tâm lực là sự rung lắc của các hệ giá trị dân tộc, quốc gia, văn hóa, con người, tộc người, tôn giáo, đạo đức, chính trị... Xung đột các giá trị, sự đổi ngôi vị của chúng trong các bảng giá trị là tất yếu của thời đại và của CMKHCN tác động đến con người và xã hội hiện nay. Những nguyên tắc mới đang ra đời, đang hoàn thiện và thâm nhập sâu rộng vào con người và xã hội là một trong những đặc điểm cơ bản của các xã hội đang chuyển biến mạnh dưới ảnh hưởng của CMKHCN và CMCN. Khủng hoảng văn hóa hay khủng hoảng đạo đức, lối sống mới chỉ là một chỉ báo ảnh hưởng to lớn, sâu sắc của CMKHCN và CMCN đang thâm nhập vào đời sống xã hội.
7- Tác động đến kỹ lực con người: Kỹ lực bao hàm kỷ năng và kỹ xảo của con người. Do tầm quan trọng của chúng trong điều kiện CMKHCN và cách mạng công nghiệp nên hiện nay cần tách chúng thành một dạng năng lực của con người thể hiện qua thuật ngữ kỹ lực. Một mặt, CMKHCN vừa đòi hỏi, vừa cung cấp cho người lao động những kỹ năng làm việc mới. Mặt khác, nó cũng đòi hỏi và cung cấp cả các kỹ xảo trong các ngành sản xuất và dịch vụ xuất hiện trong thời đại CMKHCN với những ngành, nghề, lĩnh vực lao động mới. Với các lao động đòi hỏi trình độ cao thì kỹ xảo là một thành tố không thể thiếu. CMKHCN vừa đòi hỏi phải có nhân lực chất lượng cao, do nó đòi hỏi cao về lao động có tay nghề, có trình độ cao, có tính chuyên nghiệp và các phẩm chất xã hội khắt khe nên nó thúc đẩy con người phải hoàn thiện không chỉ về chuyên môn nghiệp vụ mà cả những kỹ xảo cần thiết trong chuyên môn hẹp lẫn những kỹ năng nền tảng như năng lực phối hợp nhóm, khả năng độc lập và chủ động trong lao động. Đồng thời, các kiến thức khoa học, các công nghệ và phương tiện của CMKHCN mới có thể tạo điều kiện, môi trường để con người có thể nhận thức, tiếp nhận và hình thành nên các kỹ năng, kỹ xảo trong lao động. Các công nghệ của CMKHCN và các cuộc CMCN lần thứ 3 lẫn lần thứ 4 đều đòi hỏi nhân lực có kỹ năng, kỹ xảo tốt và giúp con người nhanh chóng hình thành các kỹ năng, kỹ xảo tương ứng với các công nghệ mới mà chúng tạo ra.
8- Tác động đến tất cả các chiều cạnh an ninh con người: Do sự phát triển của KH, CN trong CMKHCN mà lĩnh vực an ninh con người hiện đã trở thành nổi bật, cấp bách và rất quan trọng. An ninh con người trong CMKHCN có quan hệ chặt chẽ không chỉ với sự phát triển mà quan trọng hơn là với sự tồn vong của con người của nhân loại. Những nội dung và phương thức thực hiện an ninh truyền thống đã thay đổi, an ninh phi truyền thống đã xuất hiện do chính CMKHCN góp phần tạo ra. An ninh con người hiện không thể chỉ gói gọn nhỏ hẹp trong an ninh cá nhân. Dù nội hàm của an ninh cá nhân cũng đã thay đổi. An ninh con người có tính xuyên quốc gia, tác động trực tiếp, đa chiều, đa phương diện đến phát triển con người. Cả bảy chiều cạnh của an ninh con người có tính ảnh hưởng quy định lẫn nha. Nó đang biến đổi rất nhanh do tác động của CMKHCN, và rất khó dự báo, khó kiểm soát. An ninh con người do CMKHCN nên ngày càng mang tính toàn cầu lại cũng ngày càng mang tính phi chính phủ. Dưới tác động của CMKHCN cả bảy chiều cạnh của an ninh con người từ an ninh cá nhân (thân thể), an ninh kinh tế (việc làm, sinh kế, thu nhập), an ninh môi trường (đất, nước, không khí), an ninh chính trị ( tự do, dân chủ, bình đẳng, công bằng…), an ninh cộng đồng (trật tự, an toàn xã hội; văn hóa;…), an ninh sức khoẻ (dịch bệnh, y tế, chăm sóc sức khỏe), an ninh lương thực (tiếp cận lương thực) đều đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách chi phối sự phát triển con người cả theo nghĩa rộng lẫn nghĩa hẹp, trong đó có cả HDI.
An ninh con người gắn chặt với phát triển con người, là nền móng, điều kiện cần, tất yếu, đảm bảo bền vững, ổn định cho phát triển con người (PTCN), bổ sung nội dung cho PTCN, phụ thuộc PTCN. PTCN phụ thuộc vào an ninh con người, là điều kiện và nhu cầu thiết yếu của sự tồn tại của con người. Cả an ninh con người lẫn phát triển con người có chiều sâu và độ phủ rộng nhất tương ứng nhau, bao trùm nhau. An ninh con người gồm nhận thức, đánh giá, ngăn chặn, bảo vệ, khắc phục. Phát triển con người là nâng cao năng lực, mở rộng cơ hội lựa chọn, trao quyền,… do đó an ninh con người là bảo vệ, đảm bảo an toàn cho sự phát triển con người, cộng đồng. An ninh con người là tiền đề, là điều kiện cho phát triển con người. An ninh con người bổ sung cho an ninh quốc gia làm tiền đề, nền tảng, cơ sở cho phát triển con người toàn diện, phát huy mọi năng lực, cơ hội, thời cơ của con người lẫn xã hội. CMKHCN đang cung cấp cho con người những phương tiện, phương thức, giải pháp, điều kiện chưa từng có trong lịch sử nhân loại để tăng cường an ninh con người và phát triển con người[1].
9-Tác động sâu rộng đến đảm bảo quyền con người: Đảm bảo quyền con người trong thực tế là một trong những biểu hiện, là tiêu chuẩn tổng hợp của phát triển con người theo nghĩa rộng. Cũng tương tự như an ninh con người, quyền con người là nền tảng, cơ sở, tiền đề của phát triển con người. Đảm bảo quyền con người do nhiều yếu tố khác nhau quy định, từ trình độ phát triển kinh tế - xã hội đến đời sống vắn hóa, tinh thần, từ các yếu tố trong nước đến các yếu tố quốc tế. Nhưng, trong bối cảnh hiện nay, CMKHCN và CMCN 4.0 đã trở thành một yếu tố rất quan trọng đối với việc đảm bảo quyền con người trong thực tế.
Những thành tựu của CMKHCN và CMCN 3.0 và 4.0 tạo nên hạ tầng cơ sở cho nền kinh tế, tăng năng suất lao động, tạo ra của cải nhiều hơn, là điều kiện vật chất – kinh tế để đảm bảo quyền con người trong hiện thực. CMKHCN tạo điều kiện kỹ thuật – công nghệ cho việc nhận thức và truyền bá sâu rộng, đầy đủ, và pháp quy hóa nhanh chóng các quyền con người ở tất cả các thế hệ quyền. Trong giai đoạn hiện nay CMKHCN tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, thậm chí có tính quyết định đến việc bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin nhờ hệ thống hạ tầng Internet, mạng xã hội, các thiết bị số, trí tuệ nhân tạo ngày càng hiện đại. Con người ngày càng dễ dàng tiếp cận các thông tin, kiến thức, dữ liệu để phục vụ học tập, sinh kế, thể hiện suy nghĩ, nhận thức, tham gia đời sống cộng đồng và xã hội, thúc đẩy dân chủ hóa, sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo dư luận xã hội nhanh chóng và có sức mạnh cộng hưởng rất lớn. CMKHCN cũng đang thúc đẩy mạnh mẽ, thậm chí có ảnh hưởng quyết định việc học tập và phát triển của con người nhờ công nghệ số và (AI) để học tập trực tuyến được cá nhân hóa, học tập mọi lúc mọi nơi, thu hẹp bất bình đẳng trong giáo dục và hưởng thụ văn hóa, v.v. Nói tóm lại, CMKHCN tác động ngày càng sâu rộng, mạnh mẽ đến việc đảm bảo quyền con người, tạo điều kiện, tiền đề, cung cấp những dữ liệu, những tri thức, những phương tiện, công cụ cho việc thực hiện quyền con người ở tất cả các thế hệ quyền.
10- Tác động đến chỉ số phát triển con người: Chi số phát triển con người (HDI) được tính toán từ ba cấu phần là thu nhập bình quân đầu người của năm[2], tuổi thọ trung bình và số năm đi học trung bình. CMKHCN thúc đẩy công nghiệp và sản xuất, dịch vụ phát triển, phát triển các lực lượng sản xuất, tăng năng suất lao động, làm tăng khối lượng của cải xã hội. Chất lượng của cải cũng tốt hơn về nhiều mặt, phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của con người. Các số liệu của các quốc gia và các tổ chức quốc tế đều khẳng định năng lực sản xuất và khối lượng của cải tăng nhiều lần so với các thời kỳ trước khi có CMKHCN. Mặc dầu, GDP và GNP có thể được phân phối chưa công bằng do những nguyên nhân khác nhau. Nhưng việc gia tăng GDP và GNP cũng đồng nghĩa với gia tăng GDP và GNP bình quân đầu người, qua đó làm gia tăng chỉ số HDI.
CMKHCN nâng cao sức khỏe con người và kéo dài tuổi thọ do nó góp phần cung cấp cho con người những sản phẩm tiêu dùng và điều kiện sống tốt hơn, thanh toán được nhiều loại bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong, làm cho con người sống khỏe mạnh hơn. Nền y - dược học hiện đại với các phương tiện, công nghệ do CMKHCN mang lại góp phần làm thay đổi chất lượng điều trị và công tác y tế, từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống của con người. CMKHCN đang tiếp tục công nghiệp hóa ở trình độ cao hơn nền công nghiệp y - dược. Nhờ đó nó mới tạo ra được các chế phẩm, phương tiện, quy trình, phác đồ điều trị có thể chữa được nhiều loại bệnh tật hơn, đặc biệt là một số bệnh tật trước đây không có khả năng chữa trị. CMKHCN đang tiếp tục tạo nên những thay đổi lớn cho nền y - dược nói chung. Với những phát minh về giải mã trình tự gen, xác lập bản đồ gen, nhân bản vô tính, v.v… CMKHCN sẽ còn mang lại nhiều lợi ích to lơn trong việc nâng cao sức khỏe, kéo dài tuổi thọ của con người.
Từ góc độ giáo dục CMKHCN đòi hỏi con người nhiều hơn về giáo dục, đào tạo. Nó yêu cầu mỗi người phải học tập suốt đời. Xã hội học tập là hệ quả của sự phát triển của CMKHCN. Điều đó có nghĩa là CMKHCN đòi hỏi con người học tập nhiều hơn, thường xuyên, liên tục hơn. Mặt khác, CMKHCN cũng cung cấp cho con người nhiều phương tiện, công nghệ thích hợp, tiên tiến hơn cho quá trình học tập, đào tạo, bao hàm cả giảng dạy, tư liệu, tài liệu, phương tiện học và dạy, cà với tự học lẫn học trong nhà trường, học ngoài xã hội, học ở gia đình. Nhờ CMKHCN và CMCN mà việc học tập có nhiều điều kiện và cơ hội thuận lợi cho mỗi người và cho mọi người hơn xưa, học mọi lúc, mọi nơi, dạy và học được cá nhân hóa. Môi trường thông tin thông minh với AI đang thay đổi phương thức giáo dục – đào tạo hiện hành cũng như cách thức học tập truyền thống, mở ra cơ hội và tiềm năng rộng lớn, bao la cho việc học tập, tự nâng cao năng lực lựa chọn cơ hội và phát triển bản thân con người.
Như vậy trên cả ba cấu phần của HDI cách mạng KHCN và CMCN đều có tác động tích cực và góp phần gia tăng chỉ số HDI. Tốc độ gia tăng của HDI phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, các rủi ro bất thường,… nên không thể tách được sự đóng góp chính xác theo định lượng của CMKHCN đối với sự gia tăng HDI. Nhưng, đóng góp đó ngày càng lớn theo sự phát triển của công nghiệp và sự phát triển kinh tế -xã hội là hiển nhiên. Để nâng cao chỉ số HDI đương nhiên trước mắt phải nâng cao tuổi thọ, thu nhập bình quân đầu người hàng năm, gia tăng tỷ lệ số năm đi học thực tế và số năm đi học cầu vọng. Muốn nâng cao tuổi thọ tất yếu phải cải tiến dịch vụ y tế tạo khả năng tiếp cận y tế tốt hơn cho nhân dân. Đây là việc cấp thiết nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 và việc này có cơ hội, có điều kiện thuận lợi và tính khả thi cao. Muốn nâng cao GNP bình quân đầu người hàng năm đương nhiên phải phát triển kinh tế. Muốn vậy, cần giải phóng mọi nguồn lực, tạo thêm động lực mới cho nền kinh tế, tháo dỡ điểm nghẽn thể chế, tạo đột phá về phát triển nhân lực[3]. Những cải cách thể chế hiện dù rất ráo riết và quyết liệt nhưng chỉ mới bắt đầu, có khả năng tạo đột phát cho tăng trưởng bao trùm từ nay đến năm 2030 và nhờ đó thúc đẩy tăng GNP bình quân đầu người. Để tăng chỉ số HDI cũng cần phải cải cách giáo dục – đào tạo ở tất cả các cấp, mà cần cải cách trước tiên là đào tạo sau đại học rồi tới đại học chứ không phải từ tiểu học như đang làm hiện nay[4].

Việc nâng cao và duy trì chỉ số HDI trên 0,7 từ nay tới năm 2030 là hoàn toàn khả thi với những cải cách, đổi mới và tăng trưởng như hiện nay. Tuy nhiên từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 có thể khả thi khi đặt mục tiêu tăng trưởng HDI đạt từ 0,8 trở lên. Dưới tác động của CMKHCN điều quan trọng hơn là nước ta cần chú trọng phát triển con người theo tiêu chí định tính ở góc độ chất lượng tuổi thọ và chất lượng giáo dục – đào tạo cùng với việc chuyển đổi mô hình công nghiệp hóa và phát triển kinh tế theo chiều sâu. Qua điều tra, khảo sát thực trạng của chúng tôi trình độ công nghệ và công nghiệp của nước ta tính chung trên cả nước mới chỉ là 2.5[5]. Với trình độ đó việc chuyển đổi nền kinh tế theo chiều sâu và thay đổi mô hình công nghiệp hóa theo xu hướng CMCN4.0 là rất khó khăn. Do vậy mục tiêu phát triển con người theo tiêu chí định tính về chất lượng như nói trên cũng rất khó thực hiện.
4. Một số khuyến nghị
1-Triển khai các hướng nghiên cứu mới: Tác động, ảnh hưởng của khoa học, công nghệ và CMKHCN đến con người ở nước ta đang quá ít được nghiên cứu cả về phương diện lý luận lẫn thực tiễn, cả về kinh nghiệm lẫn yêu cầu phát triển quốc gia hiện nay. Không chỉ tác động, ảnh hưởng của CMKHCN đến phát triển con người theo nghĩa hẹp HDI mà cả theo nghĩa rộng với 10 nội dung, phương thức tác động nói trên, nghĩa là có đến 10 nội dung, chưa được chú ý xem xét, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Từ nay đến năm 2035 Chính phủ và Bộ KHCN nên cho xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu các nội dung trên đây.
2-Theo chúng tôi, để khoa học, công nghệ và CMKHCN góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển con người Việt Nam cần chú trọng cả việc duy trì HDI trên 0,7 và tăng lên 0,8 cùng với cả việc nâng cao chất lượng phát triển con người, thì mới đảm bảo phát triển bền vững. Nếu không chú ý điều này thì việc duy trì HDI ở mức cao sẽ là thách thức khó vượt qua, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số đang tới rất gần, quốc gia thì chưa giàu mà dân thì đã già.
3-Cải cách thể chế KH, CN và tháo gỡ các rào cản cho KH, CN phát triển: Cuộc CMKHCN đã có ảnh hưởng đến con người và xã hội nước ta, nhưng khác với các nước khác, tác động ấy có những nét đặc thù, khác biệt so với các nước khác. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, thế giới đã diễn ra cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và hiện đang tiến hành CMKHCN, nhưng 2 cuộc cách mạng đó đã không diễn ra ở Việt Nam. Thế giới đã diễn ra 3 cuộc cách mạng công nghiệp. Cả ba đều xuất phát từ châu Âu, sau đó lan sang các nước khác trên thế giới. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra trên thế giới thì Việt Nam đang chìm trong chế độ phong kiến. Khi cuộc CMCN 2.0 diễn ra thì Việt Nam nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật và con đẻ của nó là CMCN 3.0 diễn ra khi Việt Nam đang tiến hành 2 cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Tuy vậy Việt Nam vẫn tranh thủ được nhiều thành tựu của các cuộc cách mạng đó để kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Tác động tích cực của các cuộc cách mạng đó là rất to lớn.
Hiện nay, cuộc CMKHCN và CMCN 4.0 đang là một thách thức to lớn đối với Việt Nam. Nếu không tranh thủ được các thành tựu của 2 cuộc cách mạng này thì nguy cơ tụt hậu xa hơn sẽ gia tăng, việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển công nghiệp và do đó cả về sự phát triển con người và các mặt khác của đời sống xã hội càng trở nên khó khăn hơn. Nhưng, cơ hội do cách mạng KHCN và CMCN 4.0 tạo ra cũng rất lớn. Xét trên tất cả các phương diện từ kinh tế đến chính trị, từ con người đến khát vọng, từ bên trong đến quan hệ bên ngoài, chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc lại có cơ hội nắm bắt CMKHCN và CMCN 4.0 như hiện nay. Một số nước trong khu vực[6], do đã nắm bắt được CMKHKT và CMCN 3.0 nên cuối thế kỷ XX đã phát triển kinh tế, xã hội và con người với tốc độ cao. Với CMKHCN và CMCN 4.0, cơ hội tương tự của nước ta đang đến, đang có và đang phụ thuộc vào con người và thể chế. Chúng ta hiện đang thay đổi thể chế hành chính rất quyết liệt và nhanh, mạnh. Nhưng cũng phải thấy rằng chỉ vậy là chưa đủ, thể chế phát triển con người, phát triển KH, CN mà chưa thay đổi thì chuyển biến sẽ không bền vững, không tiến nhanh, tiến xa được. Ở đây chúng tôi nhấn mạnh cần phải sớm thay đổi thể chế KH,CN.
Tháo dỡ các rào cản cho KH, CN là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng hiện nay. Quan trọng hàng đầu là nhận thức. Các chủ thể xã hội từ các cấp lãnh đạo, quản lý, các doanh nghiệp, người lao động phải có nhận thức đúng về ảnh hưởng của CMKHCN đến con người trong từng công việc cụ thể của mình thì tác động của nó đến con người mới có thể có hiệu quả mong muốn. Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị “về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” vừa qua là một bước thay đổi nhận thức rất sâu sắc. Nhận thức đó cần được thể chế hóa thành các quan điểm, thành văn bản pháp quy và quyết tâm thực thi đúng. Trước mắt cần ưu tiên hoàn thiện thể chế trong phát triển nhân lực khoa học, công nghệ - nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng KHCN. Trong đào tạo cần chuyển từ kiểm soát chặt đầu vào sang kiểm soát chặt đầu ra theo tiêu chí thích hợp. Cần sớm xây dựng chuyên ngành khoa học luận và cơ quan dự báo phát triển khoa học, công nghệ trực thuộc Bộ KHCN. Tạo dựng môi trường dân chủ, tự do sáng tạo trong học thuật và thông tin khoa học. Sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KHCN đang có hiện nay, v.v....
4- Đại hội XIV của Đảng nên xác định KH, CN là điểm nghẽn cho phát triển: Ngoài 3 điểm nghẽn về thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng thì hiện nay đất nước ta còn điểm nghẽn thứ 4 là KH, CN, đổi mới, sáng tạo. Cần nhấn mạnh điểm này để thay đổi nhận thức của xã hội. Nguyên nhân tồn tại điểm nghẽn về khoa học, công nghệ (KHCN) gồm: Thứ nhất, bản thân đội ngũ nhân lực KHCN hiện nay của đất nước thiếu, yếu, không đồng bộ, chất lượng thấp. Do vậy cần cải cách khâu đào tạo, nhất là đào tạo trình độ cao ở bậc tiến sĩ, thạc sĩ. Tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân là “quân chủ lực” để đổi mới, sáng tạo, phát triển KHCN và CMCN 4.0 của đất nước trong 20 - 30 năm tới. Chất lượng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân ở nước ta hiện nay đã ở mức báo động so với yêu cầu của CMKHCN và CMCN 4.0. Cải cách đào tạo ở bậc sau đại học và đại học phải “đi trước” cải cách giáo dục phổ thông một bước và có vậy thì cải cách giáo dục mới có hiệu quả. Cả hơn thập niên nay cải cách giáo dục ít hiệu quả là do ta đang làm ngược lại. Khẩn trương cải cách đào tạo ở bậc sau đại học và đại học mới có nhân lực KHCN mạnh để xoá điểm nghẽn KHCN.
Từ phía xã hội, có nhiều rào cản đang ngăn trở việc phát huy vai trò nhân lực KHCN và sự phát triển của KHCN. Dù những năm qua đã được cải cách và có những tiến bộ vượt bậc, nhưng, các thể chế tổ chức, thể chế tài chính và thể chế hành chính vẫn là 3 vòng kim cô trói buộc các hoạt động khoa học, sáng tạo. Vì thế, trong những năm trước mắt nên tiếp tục tháo gỡ, cải cách mạnh hơn nữa 3 thể chế đó để thúc đẩy sự phát triển KHCN, CMCN, đổi mới, sáng tạo. Cải cách đào tạo và tháo gỡ các rào cản nói trên đất nước mới có thể đi nhanh vào CMKHCN và CMCN 4.0 và khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn.
5- Trong các văn bản nên thay thế việc sử dụng thuật ngữ cách mạng khoa học và công nghệ bằng thuật ngữ cách mạng khoa học – công nghệ. Sự phát triển của cách mạng khoa học và công nghệ hiện nay đã gắn kết cả khoa học, kỹ thuật và công nghệ thành một khối thống nhất nên chúng tôi đề xuất phải sử dụng thuật ngữ “cách mạng khoa học – công nghệ” để phản ánh chính xác hơn thực trạng của cuộc cách mạng này. Vấn đề ở đây không phải là hình thức thuật ngữ mà là nội dung, bản chất và tính chất của sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện nay cũng như ảnh hưởng của chúng đến con người và xã hội. Nếu tiếp cận từ góc độ cách mạng khoa học và cách mạng công nghệ tách rời nhau thì các chính sách sẽ không kết hợp được sự phát triển của khoa học và của công nghệ.
6- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực KH, CN: Chất lượng nhân lực KH,CN trong những năm gần đây đang có xu hướng ngày càng giảm sút và vẫn còn tiếp tục trong những năm trước mắt. Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng đầu vào của hệ thống giáo dục, đào tạo, và do vậy chất lượng đầu ra của nó cũng thấp. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển KH,CN nước nhà trong một, hai thập niên tới. Cần mạnh dạn thay đổi phương thức quản lý chất lượng đào tạo hiện nay: Cần chuyển trọng tâm từ quản lý chất lượng đầu vào sang quản lý chất lượng đầu ra của hệ thống đào tạo sau đại học. Trong những năm trước mắt nên mạnh dạn đặt chỉ tiêu và kiểm soát đầu ra của đào tạo sau đại học để tạo ra sự cạnh tranh, nỗ lực phấn đấu của người học và cơ sở đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.
CMKHCN cùng với con đẻ của nó là CMCN 4.0 và cuộc CMKHKT cùng CMCN 3.0 đang gia tăng tác động đến con người và xã hội Việt Nam. Những biến đổi lớn lao đang đến ngày càng nhiều trong đời sống. Cả về chỉ số HDI, thể lực, trí lực, tâm lực, quan hệ xã hội của con người, hạ tầng cơ sở, công nghiệp và nền kinh tế, trên các phương diện quy mô và tốc độ biến đổi đều đang gia tăng nhanh hơn, mạnh hơn. Tận dụng cơ hội CMKHCN tạo ra để phát triển con người và xã hội nhanh hơn là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của cả dân tộc, mà trước hết là đội ngũ các nhà quản lý, các nhà hoạt động khoa học, các doanh nhân trong các lĩnh vực, ngành, vùng, địa bàn của nước ta./.
(Hết)
PGS.TSKH Lương Đình Hải
[1] Ở đây chưa bàn đến chiều cạnh ngược lại là nó cũng cung cấp các phương tiện, phương thức, giải pháp, điều kiện đe dọa an ninh con người và cả sự tồn vong của con người nói chung.
[2] Từ 1990 đến 2010 được tính theo GDP bình quân đầu người hàng năm. Từ 2011 đến nay được điều chỉnh theo GNP bình quân đầu người hàng năm. Tương ứng, số năm đi học trung bình được thay thế bằng tỷ lệ giữa số năm đi học thực tế và số năm đi học càu vọng. Việc thay thế các số liệu tính này làm cho việc tính toán HDI chính xác và sát hợp hơn với sự phát triển con người trong hiện thực.
[3] Chúng tôi muốn nhấn mạnh là đột phá về phát triển nhân lực chứ không phải nguồn nhân lực.
[4] Xem: Lương Đình Hải.- Phát triển con người trong bối cảnh mới hiện nay – một số đề xuất cho tổng kết 40 năm đổi mới.- Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 3 (132) – 2024.
[5] Qua khảo sát 9 tỉnh và thành phố trong các năm 2017 và 2018 của chúng tôi, ý kiến chung của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo và quản lý từ cấp Sở trở xuống, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân, các cán bộ giảng dạy bậc đại học và sau đại học đều cho rằng ở nước ta trình độ công nghệ (công nghiệp) trung bình mới chỉ đạt mức công nghiệp 2.5. Điều đó có nghĩa là ở nước ta hiện nay phải vừa tiến hành cả CMKHKT, CMKHCN và CMCN 3.0 và CMCN 4.0. Điện khí hóa là nội dung căn bản của CMCN 2.0, nhưng đất nước vẫn chưa hoàn thành. Nhưng nhiều nội dung, trong nhiều ngành, lĩnh vực, khu vực, địa bàn nhiều công nghệ của CMCN 3.0 đã được sử dụng như là công nghệ chính yếu. Địa bàn tư tưởng và chủ trương, chính sách cho CMCN 4.0 và cho CMKHCN nói chung đã và đang được tạo dựng. Xã hội và con người Việt Nam đang “mở cửa đón chào” cả 4 cuộc cách mạng: CMKHKT, CMCN 3.0 và CMKHCN, CMCN 4.0. Thực trạng này đặt ra nhiều vấn đề cho các cấp, các ngành, cho đội ngũ nhân lực hoạt động KHCN nhiều nhiệm vụ và yêu cầu cấp thiết mà thực hiện được chúng thì mới có thể thực hiện cách mạng KHCN, CMCN ở nước ta, sử dụng được những tác động tích cực của CMKHCN đến xã hội và con người Việt Nam.
[6] Nhật Bản, các con rồng châu Á và hiện nay là Trung Quốc, Ấn Độ.