>>> Vì sao các khu công nghiệp ở Hà Nam hút nhà đầu tư?
Đó là chia sẻ của ông Lưu Trần Sơn, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam với Diễn đàn doanh nghiệp. Theo ông Sơn, môi trường đầu tư minh bạch cùng những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí, nguồn nhân lực… là những yếu tố mang tính bứt phá để công tác thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua.
Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty
TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam thuộc Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng
Những con số đầu tư biết nói
Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Điều này được minh chứng thông qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 được VCCI công bố tháng 5/2024. Theo đó, tỉnh Hà Nam đạt 66,47 điểm, tăng 2,47 điểm so với năm 2022; xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 10 bậc so với năm 2022. Trong 10 chỉ số thành phần thì có tới 6 chỉ số tăng cao so với năm 2022, bao gồm: Chỉ số gia nhập thị trường; Chỉ số tiếp cận đất đai; Chỉ số chi phí thời gian; Chỉ số đào tạo lao động. Đặc biệt, với 7,10 điểm, Hà Nam lọt vào tốp 30 địa phương có điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần số 4 "Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ”.
Sức hút đầu tư của Hà Nam còn được thể hiện qua những con số về dòng vốn FDI đang dịch chuyển dần mà Hà Nam đang là điểm đến của “làn sóng” dịch chuyển đầu tư này.
Tính đến nay, Hà Nam đã có 8 khu công nghiệp đang hoạt động với 582 dự án đầu tư, bao gồm 350 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 6,137 tỷ USD. Hàn Quốc dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp FDI với 127 doanh nghiệp. Đài Loan là những nhà đầu tư lớn thứ 3 về số lượng dự án (52 dự án) nhưng đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư (1,825 tỷ USD, tương đương gần 30% tổng vốn FDI tại Hà Nam).
Chỉ tính riêng trong năm 2023, tỉnh Hà Nam đã thu hút được 100 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 12.019 tỷ đồng và hơn 739 triệu USD; đưa tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 2.202 dự án. Trong đó, có 1.653 dự án trong nước và 549 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 325.000 tỷ đồng và hơn 7 tỷ USD. Những dự án đầu tư này đã góp phần phát triển kinh tế tỉnh cũng như giải quyết việc làm cho khoảng 45.000 lao động địa phương và khu vực lân cận.
Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng (thị xã Duy Tiên) với nhiều chính sách ưu đãi lớn, hứa hẹn
là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư
Nhiều ưu đãi lớn
Theo Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Hà Nam – Bà Vũ Thị Minh Phượng, trên cơ sở các quy định của pháp luật, các nhà đầu tư vào tỉnh sẽ được hưởng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để yên tâm “rót vốn”, lạc nghiệp.
Điển hình, bà Phượng cho biết, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi về tiền thuê đất trong thời gian thuê lên tới 50 năm trong các khu công nghiệp của tỉnh. Trong đó, giá thuê đất thô áp dụng mức giá cạnh tranh nhất so với các tỉnh xung quanh Thủ đô Hà Nội. Các khu công nghiệp có giá thuê đất dao động từ 80 USD – 120 USD/m2. Một số khu công nghiệp có mức giá thuê thấp như: Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng (công ty TNHH đầu tư và phát triển khu công nghiệp Plaschem Hà Nam – chủ đầu tư) có giá dao động từ 100 – 115USD/m2 đến ngày 22/3/2071. Phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ xử lý nước thải dao động từ 13.000-14.000 VNĐ/m2. Khu công nghiệp Thái Hà (công ty CP đầu tư khu công nghiệp Thái Hà – Chủ đầu tư) có giá thuê 90USD/m2; phí sử dụng hạ tầng 11.600VNĐ/m2; phí dịch vụ xử lý nước thải chỉ là 11.000VNĐ/m2.
Tại các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ bằng tiền (sau đầu tư) một phần các chi phí làm hạ tầng trong hàng rào dự án, được đào tạo về nhân lực, phát triển thị trường theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ.
>>> Tỉnh Hà Nam phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Ngoài ra, đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ…, nhà đầu tư sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đối với các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn các huyện Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục, doanh nghiệp sẽ được miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.
Bà Vũ Thị Minh Phượng, Phó Trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Hà Nam trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp
“Chính quyền tỉnh Hà Nam cam kết các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, hỗ trợ cung cấp và tuyển dụng lao động, cung cấp đầy đủ các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp, đảm bảo ổn định an ninh trật tự,…”, bà Vũ Thị Minh Phượng cho hay.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng hay còn gọi là khu công nghiệp Plaschem, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2021, nằm trên địa bàn thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Ông Tạ Đình Quận, Trưởng Ban Quản lý dự án khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng cho biết, khu công nghiệp bao gồm 2 giai đoạn đầu tư với tổng diện tích khoảng 150 ha. Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thiện xây dựng đồng bộ hạ tầng cho giai đoạn 1, thu hút đầu tư được 60% tỷ lệ lấp đầy, trong đó tiêu biểu có tập đoàn PepsiCo của Hoa Kỳ.
>>> Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Theo ông Quận, khu công nghiệp sau khi hình thành mang lại cho khu vực một diện mạo mới, khang trang, văn minh, đồng thời đóng góp nhiều lợi ích trong việc phát triển kinh tế địa phương. Các doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhà máy trong khu công nghiệp tạo ra nhiều công ăn việc làm; người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn không phải đi xa tìm việc mà nhu cầu tuyển dụng luôn sẵn có tại địa phương. Người dân địa phương qua đó cũng phát triển được nhiều mô hình kinh doanh, dịch vụ thương mại để phục vụ người lao động trong khu công nghiệp. Mức thu nhập cao hơn so với việc làm nông nghiệp trước kia, đời sống cũng được cải thiện hơn.
Theo ông Tạ Đình Quận, với vị trí địa lý thuận lợi và mức giá thuê hợp lý, KCN Plaschem Hà Nam
đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến dù mới được khai thác
Tiếp tục tạo bứt phá
Theo đánh giá, việc số lượng các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến, nghiên cứu và thực hiện các dự án mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phần nào khẳng định vị thế của một trong những địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt trên cả nước với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả. Bên cạnh đó, nói đến việc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, cũng phải nhắc đến sự nỗ lực của các đơn vị chức năng trong xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư. Xác định rõ việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư là khâu quan trọng nhằm thu hút đầu tư hiệu quả, tỉnh Hà Nam đã không ngừng triển khai đồng bộ các giải pháp về lĩnh vực này. Một trong những yếu tố nữa góp phần “mở cửa” gọi dòng vốn vào tỉnh đó là việc làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, công trình trên địa bàn.
Để có được kết quả ấn tượng trong tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư cũng như dành trọn niềm tin của doanh nghiệp, nhiều năm qua tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đến việc cải thiện môi trường đầu tư song song với việc tập trung phát triển nội lực. Trong đó, nội lực của tỉnh chính là hệ thống 8 khu công nghiệp đang hoạt động ổn định và 16 khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ mang lại tiềm lực đầu tư kinh doanh hiệu quả như: Khu Công nghiệp Đồng Văn II, Khu Công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III, Khu Công nghiệp Đồng Văn IV, Khu Công nghiệp Thanh Liêm, Khu công nghiệp Thái Hà,…
Sản xuất các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại công ty TNHH S-TEC Vina (KCN Đồng Văn IV, huyện Kim Bảng)
Hướng tới là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư, tỉnh Hà Nam đang chú trọng đẩy nhanh tiến độ triển khai và thi công một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ dọc cao tốc Bắc - Nam; dự án cầu Tân Lang; dự án đường nối 2 đền Trần,…
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tập trung tăng cường công tác quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại; xúc tiến thương mại, đầu tư, và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và tỉnh có lợi thế cạnh tranh, hướng tới một nền công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường.
Tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo nữa, Hà Nam sẽ tiếp tục thành công trong việc thu hút dòng vốn ngoại, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.