Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên

Giới thiệu chung Lịch sử - Văn hóa  
Làng lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên
Vẻ đẹp của lụa Nha Xá từng làm cho những lái buôn, du khách thập phương say đắm với sự mềm mại, quyến rũ mà ghé chân lại khi ngang qua nơi này. Tương truyền, ông tổ dạy dân Nha Xá dệt lụa và bắt cá hương (cá giống) của làng là Nhân Huệ Vương, Phiêu kỵ Đại tướng quân Trần Khánh Dư, vị tướng lỗi lạc thời nhà Trần. Trong một lần du ngoạn trên sông Hồng thấy bãi sông đẹp, ông đã lên xem và hướng dẫn người dân Nha Xá vớt cá hương trên sông về nuôi, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa... Nghề dệt lụa của người Nha Xá cũng từ đó mà hình thành, gìn giữ và truyền cho con cháu đến tận ngày nay.

 

Nhuộm lụa theo cách truyền thống, một trong những công đoạn quan trọng trong quá trình sả
 

Những năm đầu thế kỷ XX, sản phẩm lụa Nha Xá có mặt ở nhiều nơi và chỉ chịu xếp sau lụa Hà Đông (Hà Nội). Tuy các hộ làm nghề dệt lụa từng phải bươn chải và gặp không ít khó khăn khi phải tự tìm thị trường tiêu thụ nhưng hầu hết người làng Nha Xá đều cố giữ nghề dệt truyền thống cha ông để lại. 



Khăn lụa tơ tằm, một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng nghề Nha Xá

Hôm nay, rảo bước trên những con đường làng trải nhựa của Nha Xá có thể thấy làng lụa đang đổi thay từng ngày. Từ đầu cho tới cuối làng dệt đâu đâu cũng nghe thấy âm thanh rộn ràng của những chiếc máy dệt trong mỗi nếp nhà. Theo ông Nguyễn Hồng Tiến (Chủ tịch Hội nghề lụa truyền thống Nha Xá) thì hiện làng dệt Nha Xá có 230 hộ, với gần 800 nhân khẩu, trong đó có khoảng 350 lao động chính, chiếm 90% hộ dân tham gia dệt, vận hành gần 200 máy dệt. Nhiều gia đình đông lao động, tổ chức sản xuất hợp lý có tới 4 - 5 máy dệt trong nhà chạy suốt ngày đêm. Những gia đình này thường khép kín các công đoạn sản xuất từ nguyên liệu đến thành phẩm. Những xưởng lớn có hàng chục máy dệt, những máy dệt lớn chuyên dệt những sản phẩm có chất lượng cao cung cấp cho các thị trường cao cấp trong và ngoài nước là Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và xuất khẩu sang Lào, Thái Lan...



Nghề dệt lụa Nha Xá phát triển đã tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương và các vùng lân cận.
 

Ở cơ sở sản xuất Hoạt Hà, tôi được chị Phạm Thị Hà chia sẻ về nghề dệt của làng: “Trong cơ chế thị trường đầy bấp bênh những năm gần đây, không chỉ riêng cở sở tôi mà nhiều hộ gia đình khác của làng đều phải tự bươn chải mà sống, tìm đầu ra cho sản phẩm, cố gắng giữ lấy cái nghề truyền thống của cha ông bao đời để lại.” Tuy vậy sản phẩm lụa của làng Nha Xá vẫn đang được nhiều người ưa chuộng, tin tưởng về chất lượng, mẫu mã…Nhiều mặt hàng mới ra đời như hàng đũi, tơ se, hàng lụa hoa, hàng lanh, khăn xoắn... có chất lượng, mẫu mã sản phẩm luôn được nâng cao cho ra sản phẩm bắt mắt nhiều kiểu dáng.



Khăn lụa tơ tằm, một trong những sản phẩm nổi tiếng của làng nghề Nha Xá
 

Từ Nha Xá, nghề dệt lụa đã lan rộng sang những vùng lân cận như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hòa Mạc, Đồng Văn... và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm gia đình. với bản chất cần cù, ham học hỏi, lại nhanh nhạy với thị trường người Nha Xá đã mang những sản phẩm lụa của làng tỏa đi khắp mọi miền của Tổ quốc. Trải qua biết bao thăng trầm, làng lụa Nha Xá hôm nay vẫn miệt mài giữ lấy cái nghề truyền thống quý báu mà bao đời ông cha đã truyền dạy từ bao đời./.


Nguồn tin: vietnamnet