Với quyết tâm kiến tạo phát triển, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Hà Nam đã xây dựng 2 KCN mới (Đồng Văn V và Kim Bảng I), phát triển mở rộng 3 KCN (Thái Hà giai đoạn 1, giai đoạn 2; Đồng Văn III phía đông đường cao tốc; KCN Thanh Liêm) với tổng diện tích tăng thêm là 939 ha. Như vậy, đến nay Hà Nam có 10 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.982 ha, trong đó có 8 KCN đã đi vào hoạt động, 2 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng. Dự kiến, đến năm 2030, Hà Nam sẽ có 16 KCN với tổng diện tích 4.627 ha.
Đoàn cán bộ, học viên lớp Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV tham quan dây chuyền sản xuất và lắp ráp laptop Dell tại Nhà máy
Wistron Infocomm, KCN Đồng Văn III. Ảnh: Thế Trang
Cùng với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN đồng bộ, hiện đại, công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang được tỉnh thực hiện bài bản, hiệu quả. Với quan điểm thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng ít nhân công; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; tỉnh đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh, phù hợp với định hướng đặt ra. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, mang lại giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa và khả năng dẫn dắt, kết nối các doanh nghiệp khác để tạo ra hệ sinh thái, gắn với chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và toàn cầu.
Với cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư hấp dẫn; điều kiện đất đai, hạ tầng, môi trường thuận lợi; cùng với sự năng động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp của các cấp chính quyền, Hà Nam đã và đang tạo ra lực hấp dẫn, điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Minh chứng là những năm gần đây, Hà Nam đã trở thành một trong số các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI. Từ năm 2021 đến tháng 9/2024, toàn tỉnh đã thu hút được 87 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký mới 1.057,8 triệu USD. Lũy kế đến nay, Hà Nam đã thu hút được 401 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư lên đến 6,5 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư, trong đó, Hàn Quốc đứng đầu với 149 dự án với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD, kế đến là Nhật Bản với 111 dự án với số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. Một số doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư tại tỉnh tiêu biểu như: Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina; Chi nhánh Công ty Honda Việt Nam tại Hà Nam; Công ty TNHH Wistron Infocomm (Việt Nam); Công ty TNHH Qisda Việt Nam; Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật AVC (Việt Nam); Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam… Với cách làm bài bản, chuyên nghiệp, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 8 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 90,41%.
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong KCN nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng đạt hiệu quả, giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN chiếm tỷ trọng khoảng 70% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (giai đoạn 2021-2024, tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 789.410 tỷ đồng), tăng bình quân 15%/năm. Những kết quả đạt được trong thu hút FDI vào lĩnh vực công nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nguồn thu ngân sách. Dự kiến, tổng thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp FDI giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, chiếm 25% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.