Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Người nông dân ven sông nuôi cá lồng giỏi

Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách  
Người nông dân ven sông nuôi cá lồng giỏi
Làm quen với môi trường sông nước ngay từ nhỏ, bác Nguyễn Xuân Đô, thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên luôn ấp ủ khát vọng với nghề nuôi cá. Vài năm trở lại đây, người nông dân này đã biết tận dụng mặt nước trên sông Hồng để phát triển kinh tế, thu tiền tỷ mỗi năm bằng nghề nuôi cá lồng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Cuối chiều hè oi ả của cái nắng tháng 6, tôi được tới thăm mô hình kinh tế của gia đình bác Nguyễn Xuân Đô, thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại - người khởi xướng và đang thành công với mô hình kinh tế nuôi cá lồng trên sông Hồng, mở hướng đi mới cho phát triển nuôi trồng thủy sản của địa phương.


Bác Nguyễn Xuân Đô, thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên bên mô hình nuôi cá lồng ven sông Hồng


Trong tiếng gió thổi mạnh của sông Hồng khi chiều xuống, người nông dân bước sang tuổi 70 này vẫn đang khẩn trương cùng con cháu kiểm tra lại hệ thống dây neo, củng cố lồng bè tại 9 cụm nuôi cá lồng. Mồ hôi đẫm vai, vừa làm bác Đô vừa kể cho tôi nghe về những gian nan khi khởi nghiệp. Bác bảo: “Cuộc sống của vợ chồng bác trước này cũng vất vả lắm, bác thuê đất 5% của UBND xã để đào ao, thả cá theo phương pháp truyền thống, hiệu quả chả đáng là bao. Đầu năm 2015, được Hội nông dân xã tổ chức đi thăm quan mô hình kinh tế tại tỉnh bạn, tận dụng nguồn nước sạch từ sông Hồng chảy qua địa bàn, rất phù hợp để nuôi cá lồng, bác bàn với vợ và vận động anh em cùng tham gia ý tưởng này”. Được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, bác Đô đã trở thành người nông dân đầu tiên thử nghiệm nuôi cá lồng trên sông Hồng với 45 lồng cá. Bắt tay vào khởi nghiệp, gặp vô vàn khó khăn do thiếu vốn, thiếu kỹ thuật chăn nuôi, cộng thêm lần thất bại đợt gặp cơn bão to cuối tháng 7/2016, đàn cá đã theo dòng nước lớn bơi ra khỏi lồng, khiến tiền tỷ trôi sông.

Giọng trầm xuống, bác Đô chậm rãi kể: Với người nông dân, rủi ro trong chăn nuôi lớn coi như mất cơ nghiệp song bác quyết tâm gây dựng lại từ đầu, nuôi cá lồng theo hình thức gối sóng với các loại đặc sản như cá lăng, cá chiên, diêu hồng, chép giòn và trắm cỏ được thị trường ưa chuộng và có giá trị kinh tế. Đồng thời chủ động chọn con giống, liên kết với các công ty sản xuất thức ăn, thuốc thủy sản có uy tín. Những lứa cá đầu tiên được thu hoạch vào cuối năm 2017, năng suất mỗi lồng đạt 3-4 tấn, có lồng được hơn 5 tấn cá thương phẩm. Trừ chi phí bình quân còn lãi khoảng 35-45 triệu đồng/lồng. Theo bác, chăn nuôi cá trên sông khác hẳn với trong ao hồ, do vậy công tác chăm sóc, phòng bệnh cho đàn cá rất quan trọng. Hiệu quả kinh tế cao là vậy, tuy nhiên việc nuôi cá lồng lại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, rủi ro cao nhất là gặp thiên tai khi vào mùa bão lũ. Người chăn nuôi phải nắm chắc kỹ thuật cũng như áp dụng tốt biện pháp phòng chống.




Tiên phong đi đầu và thành công với nghề nuôi cá lồng, bác Đô đã vận động được 28 hộ trong xã tham gia với tổng số trên 150 lồng cá. Riêng nhóm gia đình nhà bác nuôi ngót 100 lồng. Cùng với các hộ được bác Đô giúp đỡ nuôi cá cho hiệu quả kinh tế khá, gia đình bác Nguyễn Văn Thế cùng thôn nuôi 14 lồng cá, nhiều lồng dự kiến cuối năm nay cho thu hoạch với sản lượng cao, bác Thế phấn khởi cho biết: “Chúng tôi rất cảm ơn bác Đô đã khởi sướng và giúp đỡ gia đình tham gia nuôi cá lồng, vừa giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, mô hình nuôi cá lồng của bác Đô đã giải quyết việc làm cho 25-30 lao động tại địa phương theo khung giờ nhất định với thu nhập bình quân 150.000/người/ngày. Đang cho đàn cá lăng ăn bữa chiều, anh Nguyễn Văn Huynh, một lao động đã làm việc khá lâu tại đây vui mừng cho biết: “Tôi thấy thoải mái khi làm công việc này, tranh thủ thời gian theo giờ nên tôi vẫn làm được nhiều việc khác và có thêm thu nhập đều đặn hàng tháng”.


Mô hình nuôi cá lồng của gia đình bác Nguyễn Xuân Đô, thôn Yên Mỹ, xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên

Từ mô hình kinh tế hiệu quả này, năm 2017, xã Chuyên Ngoại đã thành lập Tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản do bác Đô làm Tổ trưởng, đang tiến tới xây dựng HTX nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, bác Nguyễn Xuân Đô luôn trăn trở, mong cấp uỷ chính quyền các cấp tạo điều kiện để HTX thực sự phát huy vai trò giúp nông dân liên kết, nuôi trồng thuỷ sản giỏi.

Sự quyết tâm vượt khó làm giàu từ nghề nuôi cá lồng trên sông của bác Đô được cấp uỷ chính quyền địa phương, Hội nông dân các cấp biểu dương. Đánh giá về hiệu quả mô hình kinh tế này, đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Chuyên Ngoại cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao về sự tiên phong đi đầu và bước đầu đã thành công với mô hình nuôi cá lồng trên sông Hồng của nhà bác Nguyễn Xuân Đô. Thời gian tới Hội tiếp tục tuyên truyền, vận động các hội viên khác cùng tham gia, học tập kinh nghiệm chăn nuôi này, tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập”.

Chia tay người nông dân chất phác, đầy nghị lực này khi trời chập tối, lòng tôi thầm cảm phục ý chí vượt khó để thành công với khát vọng nuôi cá lồng của bác. Ngày đêm lăn lộn với sông nước, với từng đàn cá, bác Đô thấy nhẹ lòng vì đã giúp nhiều hộ dân nơi đây phát triển kinh tế, nâng cao đời sống./.


Bài và ảnh: Thanh Hương