Để thúc đẩy công tác CĐS, thời gian qua, Chi nhánh NHNN Hà Nam đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm thanh toán đa dạng, phong phú, tích hợp nhiều tính năng, tiện ích mới; xác thực sinh trắc học, qua internet, điện thoại di động với nhiều công nghệ hiện đại, an toàn, tiện lợi; phối hợp với các ngành đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, giáo dục; triển khai phương án cấp và quản lý tài khoản an sinh xã hội trên nền tảng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử; hỗ trợ triển khai thanh toán trực tuyến lệ phí đăng kí xét tuyển đại học...
Ông Lương Đức Cường, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Thanh Liêm cho biết: Để tiện lợi cho khách hàng giao dịch, ngân hàng đều khuyến cáo khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng trực tuyến qua internet Banking và Mobile Banking. Qua thực tế ở Thanh Liêm cho thấy khách hàng đã sử dụng dịch vụ Mobile Banking phổ biến hơn vì ứng dụng tương thích với nhiều loại điện thoại và giao diện ứng dụng rất dễ sử dụng. Chỉ bằng điện thoại thông minh, khách hàng có thể chuyển tiền cho con đi học xa hằng tuần, mua sắm online, chuyển tiền cho các tài khoản khác. Về lâu dài, ngày càng nhiều khách hàng sử dụng giao dịch trực tuyến qua internet Banking và Mobile Banking thay bằng hình thức dùng tiền mặt. Để bảo đảm cho khách hàng giao dịch thuận lợi, đơn vị thường xuyên nắm bắt thông tin từ phía khách hàng, chủ động đề xuất các nhà mạng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu về tốc độ cho khách hàng giao dịch, nhất là vào các dịp lễ, Tết.
Cán bộ Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân) cài đặt, ứng dụng phần mềm thu nợ gốc
và lãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Theo tổng hợp của Chi nhánh NHNN Hà Nam, đến tháng 11/2024, trên địa bàn tỉnh có 23 chi nhánh ngân hàng, 01 phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển, 12 quỹ tín dụng nhân dân, 01 dự án tài chính vi mô. Để tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch, các NHTM đã lắp đặt 146 máy ATM (tăng 06 máy so với đầu năm); 1.008 máy POS (tăng 280 máy so với đầu năm). Đến nay, toàn tỉnh có 1.611 đơn vị trả lương qua tài khoản cho 192.698 người nhận lương, trong đó có hơn 36.610 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hoạt động thanh toán của các tổ chức tín dụng trên địa bàn diễn ra an toàn, thông suốt; hệ thống máy ATM, POS vận hành ổn định, chất lượng dịch vụ bảo đảm. Cơ sở hạ tầng và công nghệ, nhất là hạ tầng, công nghệ thanh toán của các tổ chức tín dụng không ngừng được đầu tư nâng cao, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, hội nhập kinh tế quốc tế.
Ông Phạm Văn Tùng, Quyền Giám đốc Chi nhánh NHNN tỉnh Hà Nam cho biết: Các NHTM trên địa bàn tỉnh thực hiện hầu hết các giao dịch bằng hình thức trực tuyến thông qua internet. Khi sử dụng các giao dịch khách hàng không phải đến các chi nhánh ngân hàng; có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào thời gian, không gian nên khách hàng hoàn toàn chủ động, giảm thiểu đến mức tối đa những thủ tục giấy tờ liên quan. Khi ngân hàng thực hiện số hóa quy trình, mọi mối quan hệ của khách hàng với ngân hàng đều được xử lý online. Sử dụng ngân hàng số còn mang đến tiện ích tối đa, khi tất cả các hoạt động được thực hiện ở quầy giao dịch truyền thống đều được số hóa và tích hợp vào một ứng dụng ngân hàng số.
Với chủ đề "Phát triển kinh tế số với 04 trụ cột: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh xác định tiếp tục đẩy mạnh CĐS theo hướng hiện đại, thiết thực, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024 và giai đoạn 2021-2025. Thực hiện nhiệm vụ trên, ngành Ngân hàng đưa ra các giải pháp: hoàn thiện, nâng cấp các nền tảng số đang vận hành; phát triển đội ngũ nhân sự chuyên trách làm công tác CĐS, an toàn, an ninh mạng tại các đơn vị có trình độ chuyên môn cao, đồng đều, được đào tạo bài bản về chuyên ngành công nghệ thông tin, tích cực nắm bắt và triển khai nhiệm vụ; chủ động phát hiện, phòng ngừa và xử lý kịp thời các rủi ro có thể phát sinh để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình cung ứng, thực hiện các hoạt động ngân hàng trên môi trường số. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ số bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để phát triển, cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, an toàn, tăng cường trải nghiệm khách hàng và đáp ứng tốt nhu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp.
Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động, ngành Ngân hàng luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất khách hàng và đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng mới, phù hợp xu thế phát triển hiện nay.