Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngành giáo dục thị xã Duy Tiên đẩy mạnh dạy học STEM trong các trường học

Thông tin cần biết  
Ngành giáo dục thị xã Duy Tiên đẩy mạnh dạy học STEM trong các trường học
Cùng với dạy học theo hướng tích hợp, dạy học liên môn, những năm gần đây, việc triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong nhà trường được ngành giáo dục thị xã Duy Tiên coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường triển khai thực hiện giáo dục STEM để hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

Ngành giáo dục thị xã Duy Tiên đẩy mạnh dạy học STEM trong các trường học 
Giáo viên Trường THCS Mộc Nam (Duy Tiên) hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm ứng dụng từ kiến thức các môn học và chủ đề dạy học STEM.

Từ năm học 2020-2021, việc đưa giáo dục STEM vào trường học đã được thực hiện ở 100% trường THCS. Đến năm học 2022 - 2023 tiếp tục thực hiện đối với cấp tiểu học và triển khai thí điểm ở Trường Tiểu học Chuyên Ngoại, Trường Tiểu học Hòa Mạc, Trường Tiểu học Đồng Văn. Theo đánh giá từ Phòng GD&ĐT thị xã, giáo dục STEM hiện được các nhà trường đón nhận và triển khai nền nếp, hiệu quả. Việc dạy học chủ đề theo định hướng giáo dục STEM ở cấp THCS chủ yếu đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ; 100% trường triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và thành lập câu lạc bộ STEM.

Ông Vũ Hữu Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên cho biết: Công tác triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM ở các trường học trên địa bàn thị xã có nhiều thuận lợi do đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS và tiểu học đã được tập huấn về giáo dục STEM. Đặc biệt, do chương trình và sách giáo khoa mới được cấu trúc thành các chủ đề, trong đó có một số chủ đề phù hợp tạo điều kiện tốt để giáo viên tổ chức bài học STEM. Quá trình triển khai đưa giáo dục STEM vào thực tế dạy và học ở các nhà trường trên địa bàn cho thấy, các nhà trường đã có sự linh hoạt, chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM có tính đa dạng, phù hợp với điều kiện nhà trường và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, góp phần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh.

Ngành giáo dục thị xã Duy Tiên đẩy mạnh dạy học STEM trong các trường học
Giáo viên Trường THCS Mộc Nam (Duy Tiên) hướng dẫn học sinh làm các sản phẩm ứng dụng từ kiến thức các môn học và chủ đề dạy học STEM.

Cùng với việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, ngay từ đầu mỗi năm học, Trường THCS Mộc Nam đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học theo định hướng giáo dục STEM. Theo cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng nhà trường, mục tiêu của việc tăng cường các biện pháp tổ chức dạy học theo định hướng giáo dục STEM nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí và giáo viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của giáo dục STEM trong trường trung học; thống nhất nội dung, phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường. Đồng thời, tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong giáo dục trung học nhằm góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc tổ chức, quản lí, xây dựng và thực hiện theo phương pháp giáo dục STEM.

Do có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã coi đây là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Trên cơ sở nội dung các bài học của từng môn học, các tổ chuyên môn đã xây dựng được các chủ đề dạy học STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề; khuyến khích học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra.

Với vai trò là người tổ chức, định hướng các tiết học, bài học theo chủ đề giáo dục STEM, thầy giáo Phạm Văn Kiêm (Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Mộc Nam) chia sẻ: Tùy thuộc vào đặc điểm từng môn học và điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên có thể áp dụng linh hoạt các hình thức giáo dục phù hợp với nội dung bài học STEM. Trong đó, nội dung bài học STEM được gắn kết với các vấn đề thực tiễn đời sống xã hội khoa học và công nghệ. Những nội dung kiến thức của bài học STEM có thể thuộc một môn học hoặc một số môn học trong chương trình. Giáo viên tổ khoa học tự nhiên của nhà trường đã chủ động đăng ký thực hiện bài học STEM,  ít nhất 2 chủ đề/học kì/môn học theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn. Điểm nổi bật, yếu tố có giá trị nhất trong tổ chức dạy học các bài học STEM chính là mang tới cho học sinh sự chủ động trong nghiên cứu tài liệu học tập để tiếp nhận và vận dụng kiến thức thông qua các hoạt động; sáng tạo trong lựa chọn giải pháp giải quyết vấn đề; thực hành thiết kế, chế tạo, thử nghiệm mẫu thiết kế; chia sẻ, thảo luận, hoàn thiện hoặc điều chỉnh mẫu thiết kế dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Hiện nay, hầu hết giáo viên các nhà trường đã nắm bắt được các yêu cầu của việc dạy học STEM, đáp ứng tốt các yêu cầu về cấu trúc khi xây dựng bài học STEM dựa theo quy trình thiết kế kĩ thuật với tiến trình bao gồm 8 bước: xác định vấn đề hoặc yêu cầu chế tạo một sản phẩm ứng dụng gắn với nội dung bài học, nghiên cứu kiến thức nền, đề xuất các giải pháp, lựa chọn giải pháp, chế tạo mô hình (nguyên mẫu), thử nghiệm và đánh giá, chia sẻ và thảo luận, điều chỉnh thiết kế. Đồng thời, biết lựa chọn nội dung dạy học theo nội dung kiến thức trong chương trình môn học gắn với thực tiễn; xác định được vấn đề cần giải quyết để giao cho học sinh thực hiện sao cho khi giải quyết vấn đề đó học sinh phải học được kiến thức, kĩ năng cần dạy trong chương trình môn học đã được lựa chọn hoặc vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã biết để xây dựng bài học…

Cùng với đó, việc tổ chức hoạt động dạy học được thiết kế theo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, bảo đảm mỗi hoạt động học được thiết kế rõ ràng về mục đích, nội dung, dự kiến sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành và cách tổ chức hoạt động học tập; thể hiện rõ sự sáng tạo khi thiết kế được nhiều bài học điện tử để hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động học của học sinh bên ngoài lớp học. Các phương pháp, hình thức dạy học bài học STEM cũng được linh hoạt thực hiện, giúp lôi cuốn học sinh vào hoạt động kiến tạo, tăng cường hoạt động nhóm, tự lực chiếm lĩnh kiến thức mới và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cũng như tăng cường tổ chức hoạt động theo nhóm để phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh nhưng phải chỉ rõ nhiệm vụ và sản phẩm cụ thể của mỗi học sinh trong nhóm.

Bên cạnh việc dạy học STEM trong các giờ học chính khóa, các trường học trên địa bàn thị xã còn phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm STEM  qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế. Theo điều kiện thực tế và nhu cầu học tập của học sinh, các nhà trường đã sáng tạo trong việc tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong trường; giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kĩ thuật trong thực tiễn; tổ chức các ngày hội STEM; duy trì hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật …Trong đó, các nội dung trải nghiệm STEM được gắn với việc thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, tạo hứng thú và động lực học tập nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh; các hoạt động của bài học STEM trong chương trình tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội, khoa học và công nghệ; gắn với các hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực STEM nhằm hỗ trợ cho quá trình học tập, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh./.
 

Nguồn tin: Chinhphu.vn



 

 


baohanam.com.vn