Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lợi ích ‘5K’ khi thực hiện thanh toán thuế, phí trước bạ đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách  
Lợi ích ‘5K’ khi thực hiện thanh toán thuế, phí trước bạ đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia
Người dân thực hiện các thủ tục thanh toán trực tuyến về thuế, lệ phí trước bạ về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ không phải đến cơ quan thuế, ngân hàng, không phải tiếp xúc với bất kỳ ai khi thực hiện thủ tục và có thể thực hiện vào bất cứ thời gian nào.

 

Từ tháng 5/2021 đến nay đã có 7 nghìn giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai được thực hiện thành công với tổng số tiền là 25 tỷ đồng

7000 giao dịch thành công

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ và Quyết định số 406/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2021, trên cơ sở kết quả thí điểm trước đó (tại 4 tỉnh: Bình Định, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Tây Ninh), Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan biên soạn tài liệu hướng dẫn và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc triển khai kết nối, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (thanh toán trực tuyến thuế, lệ phí trước bạ về đất đai) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong tháng 5/2021.

Kết quả cho thấy, trong hơn 4 tháng thí điểm thực hiện thủ tục thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai (từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, tại 4 tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Định và Tây Ninh) đã có gần 4.000 giao dịch thanh toán thành công với số tiền thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia đạt trên 14 tỷ đồng.

Từ nay (ngày 8/6/2021), đã có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc kết nối, cung cấp dịch vụ này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: Vĩnh Phúc, Bình Định, Thái Nguyên, Tây Ninh (thí điểm từ tháng 12/2020), Bình Phước, Thanh Hóa, Quảng Trị, Gia Lai, Kon Tum, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương, Lâm Đồng, An Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Nghệ An, Tuyên Quang, Bạc Liêu, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, TP. Hải Phòng, Khánh Hòa.

Đã có 7 nghìn giao dịch được thực hiện thành công với tổng số tiền là 25 tỷ đồng. Đặc biệt, số giao dịch và số tiền giao dịch đã có sự tăng trưởng mạnh theo từng tháng (cụ thể xem biểu đồ dưới đây). 



Từ 3 lần “đến cửa" cơ quan thuế, ngân hàng,…

Việc thực hiện thanh toán thuế, lệ phí trước bạ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đem lại lợi ích nhiều mặt đối với người dân.

Cụ thể, theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, trước khi triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân tại các địa phương thường được thực hiện theo quy trình gồm 9 bước chính như sau:

1. Công dân thực hiện nộp hồ sơ thủ tục tại Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa cấp huyện.

2. Sau khi được tiếp nhận và cấp mã hồ sơ, hồ sơ giấy/ điện tử được chuyển tới cơ quan chức năng để xử lý theo quy định (Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện).

3. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nhận và xử lý bằng hồ sơ giấy, cập nhật kết quả trên Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

4. Hồ sơ được chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chuyển sang cơ quan thuế bằng phiếu chuyển giấy/ điện tử để tính thuế.

5. Công dân đến chi cục Thuế để nhận kết quả giải quyết của cơ quan thuế: Thông báo nộp lệ phí trước bạ nhà, đất; thông báo nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân chuyển nhượng bất động sản.

6. Công dân đến Ngân hàng để nộp tiền mặt và nhận giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

7. Công dân mang kết quả thông báo thuế và chứng từ nộp tiền đến Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa cấp huyện để cán bộ một cửa xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính lên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.

8. Cơ quan quản lý đất đai (Văn phòng đăng ký đất đai) hoàn thành kết quả trả cho công dân là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

9. Công dân đến Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa cấp huyện để nhận kết quả.

Với quy trình này, người dân phải trực tiếp đi 5 lần tới Trung tâm phục vụ hành chính công, Bộ phận một cửa cấp huyện, cơ quan thuế, ngân hàng. Ngoài ra, các cá nhân còn phản ánh về tình trạng phải đến cơ quan thuế nhiều lần với lý do là Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai chưa chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế hoặc hồ sơ chưa đảm bảo, cơ quan thuế trả lại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.


 


Quy trình thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia

 
… đến lợi ích 5K

Để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân trong lĩnh vực này, Văn phòng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính đã thống nhất điều chỉnh quy trình xử lý của các cơ quan nhà nước (Bộ phận một cửa, Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế) để công dân không phải đến cơ quan thuế nhận thông báo nộp thuế, ra ngân hàng nộp tiền và quay về cơ quan thuế để xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi nhận kết quả thủ tục hành chính (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - “sổ đỏ", “sổ hồng").

Quy trình thực hiện sau khi được đơn giản hóa như sau: Ngay sau khi sau Cơ quan Thuế xác định mức của các loại nghĩa vụ tài chính về đất đai phải nộp, Cổng dịch vụ công tỉnh sẽ gửi tin nhắn thông báo đến điện thoại cá nhân, người dân truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-thanh-toan-thue-dat-dai.html) để tra cứu theo mã hồ sơ ghi trên phiếu tiếp nhận và hẹn trả kết quả, ghi số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để tra cứu nghĩa vụ và thực hiện nộp trực tuyến qua ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.


Chứng từ nộp tiền được ký số bởi ngân hàng hoặc trung gian thanh toán và luân chuyển đến các cơ quan nhà nước phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính tiếp theo.

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, đây không chỉ là một bước cải cách tạo thuận lợi cho công dân tham gia thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Việc này còn giúp thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 là (Khẩu trang – Khử khuẩn - Khoảng cách – Không tập trung – Khai báo y tế).

Với việc thực hiện thanh toán trực tuyến công dân có thể giảm được 3 lần đi lại trực tiếp tới các cơ quan và thực hiện trên môi trường điện tử từ bất kỳ địa điểm và khung thời gian nào. Cụ thể là, người dân: (1) Không tiếp xúc với bất kỳ ai khi thực hiện thủ tục thanh toán; (2) Không tập trung,  không cần đến cơ quan thuế, ngân hàng; (3) Không tiền mặt; (4) Không chứng từ giấy, không cần nộp chứng từ cho Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; (5) Không giới hạn bởi khung giờ hành chính, địa điểm thực hiện, có thể nộp tiền bất cứ lúc nào kể cả ngoài giờ hành chính hay trong những ngày nghỉ. Đây chính là tiện ích 5K trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thanh toán thuế, lệ phí trước bạ về đất đai.

Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cho biết, với những kết quả đã đạt được, trong tháng 6/2021, cơ quan này sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối, hoàn thiện cung cấp dịch vụ công này trên phạm vi toàn quốc theo đúng mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 01/01/2021. Việc thực hiện thanh toán trực tuyến không chỉ mang lại các lợi ích thiết thực với người dân, doanh nghiệp mà còn hỗ trợ các cơ quan nhà nước có thể theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đối với các hồ sơ trong lĩnh vực đất đai; hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp tại các cơ quan, đơn vị liên quan; góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, chủ động phòng, chống đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới./.

 


 

Nguồn tin: Chinhphu.vn





Chinhphu.vn