Cuộc lột xác về hạ tầng giao thông
Nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ hơn 50 km, Hà Nam có vị trí địa lý quan trọng, là cửa ngõ giao thương từ Thủ đô đi các tỉnh phía nam. Quốc lộ 1A và cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đoạn đi qua Hà Nam cộng hưởng với các tuyến đường vành đai 3, 3.5, 4 tạo thành mạng lưới kết nối hoàn hảo phía Nam Hà Nội. Cùng với đó, trục đường đi từ vành đai 3 đoạn Nguyễn Xiển theo hướng Chùa Hương – Tam Chúc kết nối trung tâm Hà Nội với TP Phủ Lý đi qua nhiều danh lam thắng cảnh của Hà Nam, tạo lực đẩy cho du lịch bứt phá.
Không chỉ đường bộ, Hà Nam còn sở hữu lợi thế khác biệt với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại, đường sắt cao tốc Bắc Nam tương lai đi qua và rất gần sân bay thứ hai Vùng Thủ đô (dự kiến được xây dựng tại hai huyện Phú Xuyên - Ứng Hòa, Hà Nội, đạt quy mô khoảng 50 triệu hành khách mỗi năm).
Không quá khi nói rằng, tọa độ của Hà Nam sẽ mở ra một hành trình đa điểm kết nối trong tương lai, với một mạng lưới giao thông hoàn hảo, đáp ứng mọi nhu cầu di chuyển. Điều này góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng vượt bậc những năm qua và hứa hẹn sự bùng nổ trong tương lai gần.
Sau 26 năm tái lập tỉnh (1997-2023), từ một tỉnh thuần nông diện tích nhỏ bé, cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng đô thị lạc hậu, Hà Nam đã trở thành một tỉnh phát triển năng động, kinh tế tăng trưởng nhanh. Với tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt gần 27.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nam dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 4 cả nước về tốc độ tăng trưởng. Đây cũng là một đô thị “đệm” cho Thủ đô với các quy hoạch về mạng lưới giáo dục, y tế hiện đại.
Trên nền những kết quả đã đạt được, quy hoạch Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định xây dựng Hà Nam trở thành đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của Vùng đồng bằng sông Hồng. Đến năm 2050 đưa Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Để nhanh chóng hiện thực hóa tầm nhìn đó, những năm qua, Hà Nam đã nỗ lực chuyển biến mạnh mẽ về hạ tầng giao thông – tạo bệ phóng cho hành trình bứt phá về kinh tế xã hội. Trong đó, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện nút giao Phú Thứ - công trình giao thông 3 tầng hiện đại dự kiến đưa vào hoạt động năm 2025, sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông liên kết vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực. Song song, đường vành đai 5 vùng Thủ đô dự kiến sẽ được xây dựng trước năm 2027 với chiều dài 331 km, đi qua 8 tỉnh, thành phố (trong đó đoạn qua tỉnh Hà Nam dài khoảng hơn 35km, 6 làn xe)tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, mở đường cho sự cất cánh của vùng đất di sản “núi Đọi sông Châu”.
Nam châm hút nhà đầu tư BĐS
Bài học từ sự tăng trưởng của các đô thị lớn đã chứng minh, phát triển hạ tầng giao thông luôn là yếu tố nền tảng, đi trước thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị, thu hút dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh. Những nơi có giao thông đồng bộ, hiện đại luôn tạo bệ phóng cho BĐS phát triển nhanh, bền vững, thiết lập giá trị cao như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Tại Hà Nam, với những lợi thế về vị trí, quy hoạch và tiềm năng phát triển du lịch, khu vực trung tâm hành chính mới TP Phủ Lý, phía Bắc sông Châu Giang có đủ cơ hội để kiến tạo những dự án quy mô, tầm cỡ, đón đầu cơ hội phát triển của thị trường BĐS, đem đến trải nghiệm mới cho người dân và khách du lịch. Đây là khu vực nằm giữa 2 trục đường huyết mạch là Quốc lộ 1A, cao tốc Bắc Nam, kết nối dễ dàng với các nút giao Liêm Tuyền, Phú Thứ, đặc biệt là đường vành đai 5 Vùng Thủ đô và đường sắt cao tốc Bắc - Nam sắp xây dựng. Với mục tiêu dời trung tâm hành chính ra khỏi trung tâm Phủ Lý cũ, khu vực này được Hà Nam đầu tư đồng bộ các tuyến đường lớn như Lê Công Thanh, Điện Biên Phủ (rộng tới 68m)… mở đường cho một “trung tâm mới” của Hà Nam trong tương lai gần.
Đây cũng là khu vực lý tưởng để đầu tư các khu đô thị hiện đại, đầy đủ tiện ích, thu hút nhóm chuyên gia, người thành đạt đang làm việc tại Hà Nam, Hà Nội và khu vực lân cận tới sinh sống, an cư lâu dài. Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, Hà Nam xác lập được vị thế trên bản đồ tăng trưởng của cả nước, với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm. Hà Nam cũng đứng thứ 4 trong 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng về tỷ lệ đô thị hóa (chỉ đứng sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội).
“Trong khi tỷ lệ đô thị hóa cao nhưng chất lượng đô thị hóa tại Hà Nam lại chưa cao. Bởi vậy, cần tăng chất lượng, đẳng cấp đô thị của Hà Nam lên một tầm cao mới. Đây chính là dư địa trong nâng cấp đô thị, mang tới lợi thế cho nhà đầu tư có kinh nghiệm và chú trọng phát triển đô thị đẳng cấp cao”, ông Thiên cho biết.
Một dự án đại đô thị tại khu vực Bắc Châu Giang (Phủ Lý) đang được giới đầu tư quan tâm là Đô thị thời đại – Sun Urban City Hà Nam, với quy mô 420ha, tổng mức đầu tư lên đến 35.000 tỷ đồng. Dự án do Sun Property (thành viên Sun Group) kiến tạo trên cơ sở khai thác tối đa thế mạnh về kết nối giao thông của khu vực, cũng như gia tăng hệ thống tiện ích đẳng cấp để nâng tầm chuẩn sống cho cư dân, biến nơi đây thành chốn nghỉ dưỡng ngoại ô lý tưởng với 1.001 tiện ích. Dự án hứa hẹn trở thành “new city” của Hà Nam và cả khu vực đồng bằng Bắc Bộ, tâm điểm giao thông và đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ. Đây cũng là bước đón đầu quy hoạch Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa gắn với tâm linh, vui chơi giải trí, thể thao, đưa Hà Nam trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
“Hà Nam nằm trên trục kinh tế Bắc Nam nên có lợi thế rất lớn để tăng trưởng, tăng cấp. Hà Nam từng đi chậm hơn Bắc Ninh, Hưng Yên và một số tỉnh thành phía Bắc nhưng có thể đây lại là may mắn của Hà Nam, bởi dư địa còn cực kì nhiều và cơ hội mời gọi các Tập đoàn lớn đầu tư bài bản”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định.