Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách...

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Chuyển đổi số  
Kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 18/12/2019 về việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW. Theo đó, Tỉnh ủy Hà Nam đã tổ chức Hội nghị quán triệt, học tập Nghị quyết số 52-NQ/TW kết hợp với Hội nghị cập nhật kiến thức về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho đội ngũ cán bộ chủ chốt (mở rộng) của tỉnh, đồng thời truyền hình trực tiếp đến các địa phương trong tỉnh.

Bên cạnh đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam đã chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Đảng bộ, Chi bộ trực thuộc tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch Tỉnh ủy đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc các quan điểm của Đảng về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chỉ đạo tập trung tuyên truyền nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Tỉnh ủy trên các phương tiện thông tin đại chúng như Cổng Thông tin điện tử tỉnh và các cổng thông tin điện tử của các cơ quan, Báo Hà Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao cấp huyện, Đài truyền thanh cấp xã; tổ chức hội nghị học tập nghị quyết ở các chi bộ và tuyên truyền Nghị quyết vào các buổi sinh hoạt Đảng bộ, Chi bộ, tổ dân phố, trong các tầng lớp nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương.

Qua công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về một số chủ trương, chính sách chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn kịp thời ban hành các nghị quyết, chương trình, kế hoạch quan trọng.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã quán triệt sâu sắc các nội dung của Nghị quyết số 52-NQ/TW, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã nâng cao nhận thức về sự cấp thiết phải chủ động tham gia tích cực, coi đó là một nhiệm vụ trọng tâm. Các mục tiêu, nhiệm vụ tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn được gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an inh của các cấp, các ngành. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia có hiệu quả vào quá trình hoạch định và giám sát thực thi các chính sách có liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị đã xây dựng, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho chủ động tham cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số; xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số, đô thị thông minh

Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh, trung ương. Phần mềm đã được tích hợp chữ ký số. Đến nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.

Hệ thống thư điện tử của tỉnh đảm bảo cung cấp hộp thư điện tử cho cán bộ, công chức từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên thường xuyên sử dụng hệ thống thư điện tử trong công việc là 95%.

Đã triển khai hệ thống phòng họp không giấy tờ tại trụ sở UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố; triển khai hệ thống báo cáo kinh tế xã hội tỉnh Hà Nam kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam đã được cập nhật khá đầy đủ thông tin. Cập nhật nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh; cung cấp thông tin hữu ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; trả lời kịp thời câu hỏi thắc mắc của người dân và doanh nghiệp; trung bình hằng tháng cập nhật 85 tin, bài. Nhiều chuyên mục trên cổng đã được thiết kế, tạo lập và cập nhật thông tin.

Cổng thành phần của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tạo đủ các mục thông tin chủ yếu theo quy định. Hầu hết các cơ quan đã cập nhật đầy đủ thông tin vào các mục. Trung bình hằng tháng có 35 tin, bài được cập nhật trên mỗi cổng thành phần.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình. Tích hợp trên 70% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam hiện nay cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tổng số 1.744 bộ thủ tục hành chính. Trong đó: 976 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 693 dịch vụ công trực tuyến một phần và 75 dịch vụ công khác. Năm 2022: Tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,21%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 66,75%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 32,82%. 09 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết đúng và trước hạn đạt 99,7%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 87,5%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 67,7%. Kết quả đánh giá theo Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công: Hiện nay Hà Nam đạt 81,5 điểm, xếp loại: Tốt; xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.

Hiện tại, một số phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được xây dựng và triển khai tại một số cơ quan như: Kế toán của tất cả các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố; Quản lý các đối tượng người có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Quản lý cấp phép lái xe, Quản lý phương tiện thủy nội địa của Sở Giao thông Vận tải; Quản lý hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo; Quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế trên toàn tỉnh; Quản lý hộ tịch của Sở Tư pháp....

100% các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế, giúp tối ưu quy trình khám chữa bệnh, nâng cao công tác quản trị bệnh viện, giảm thiểu sai sót, tăng độ chính xác trong công tác thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính để tích hợp, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam. Triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của quốc gia. Hiện tại đã kết nối Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh Hà Nam với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia của một số hệ thống chuyên ngành của các bộ, ngành trung ương như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến (Bộ Tư pháp), Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài Chính), Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và đang triển khai kết nối khai thác các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin đã sẵn sàng trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Cấp 3.247 chữ ký số (trong đó USB Token: 3.089, Sim PKI: 158) cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Các cơ quan đã sử dụng chữ ký số của cơ quan; chữ ký số của cá nhân để ký số trên văn bản điện tử.

Thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng có nhiệm vụ tổ chức điều phối, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức ứng cứu các sự cố máy tính, mạng máy tính trên địa bàn tỉnh. Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng đã tổ chức tập huấn và diễn tập phòng chống tấn công phá hủy, lộ lọt dữ liệu cho các thành viên Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng. Phê duyệt cấp độ an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin dùng chung trên địa bàn tỉnh: Cổng Thông tin điện tử, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm điều hành thông minh tỉnh, Hệ thống quản lý hoạt động khoáng sản và cơ sở dữ liệu khoáng sản. Triển khai Trung tâm giám sát, điều hành an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Hà Nam nhằm đáp ứng triển khai an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hệ thống hạ tầng mạng viễn thông đã được các doanh nghiệp triển khai đồng bộ với hạ tầng giao thông đô thị tại hầu hết các khu công nghiệp, khu dân cư. Hạ tầng thông tin đã đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ phổ cập, bắt buộc, dịch vụ cơ bản và nhiều dịch vụ giá trị gia tăng: 100% số xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông; 100% xã, phường, thị trấn thu được tín hiệu của Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam; 95% xã, phường, thị trấn được phủ sóng thông tin di động 3G, 4G; độ bao phủ Internet băng thông rộng trên địa bàn tỉnh là 100%.

Đã lắp đặt mạng truyền số liệu chuyên dùng và đưa vào sử dụng đến 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn. 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã có mạng LAN, kết nối Internet tốc độ cao. Tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên là 100%; cấp xã là 85%.

Hệ thống hội nghị truyền hình đã được triển khai từ UBND tỉnh với UBND cấp huyện; UBND cấp xã với UBND cấp huyện (tổng số 116 điểm cầu), có kết nối với Chính phủ. Hệ thống hội nghị truyền hình hoạt động thường xuyên từ Trung ương đến tỉnh, từ huyện đến xã mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí.

Hiện nay, đã tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin hiện có của các sở, ngành về Trung tâm điều hành thông minh, cụ thể các phần mềm ứng dụng tích hợp online: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam, Quản lý văn bản và điều hành, Y tế, Trung tâm Điều hành thông minh Phủ Lý (tích hợp camera thông minh tại một số điểm trên địa bàn thành phố Phủ Lý). Các chỉ số cơ bản về kinh tế - xã hội được các ngành cung cấp số liệu và cập nhật vào hệ thống định kỳ. Trung tâm điều hành thông minh tỉnh hoạt động giúp lãnh đạo tỉnh có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời Trung tâm điều hành là nơi phân tích dữ liệu lớn, đưa ra cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác đảm bảo chính xác, minh bạch. Đã xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý để thu thập, phân tích, chuẩn hóa dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của thành phố.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hà Nam đã chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025: Hạ tầng viễn thông, các ứng dụng, các tiện ích thanh toán cơ bản đảm bảo để thực hiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh. - Mạng lưới ATM trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã phủ đến các trung tâm huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, tập trung nhiều tại Thành phố Phủ Lý và các Khu công nghiệp; hệ thống ATM luôn hoạt động xuyên suốt 24/7. 

Tỉnh Hà Nam đã đầu tư xây dựng Khu Đại học Nam Cao và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào khu Đại học Nam Cao để thu hút các cơ sở giáo dục đại học trong nước và ngoài nước đầu tư cho hoạt động giáo dục tại tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận. Năm 2021 đã có Trường Đại học U1 - Hàn Quốc thực hiện khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng; sau khi hoàn thành xây dựng, trường sẽ thực hiện đào tạo đa ngành theo chương trình giáo dục hiện đại. Ngoài ra, tỉnh cũng đang thúc đẩy hoàn thiện các thủ tục để cho phép một cơ sở giáo dục đại học của Nhật Bản đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa ngành tại khu Đại học Nam Cao. Tiếp tục thu hút các tổ chức giáo dục và đào tạo quốc tế đầu tư, hoạt động tại Khu Đại học Nam Cao trong thời gian tới. UBND tỉnh đã ban hành Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp Nhật Bản tại Hà Nam giai đoạn 2021-2025.

Trong những năm qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động giáo dục để cải tiến phương pháp, hình thức và công cụ giảng dạy, học tập đã được phát triển rộng rãi trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh. 100% các trường học cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh đã có phòng máy và đưa bộ môn tin học vào giảng dạy cho học sinh. Với sự hỗ trợ của các nền tảng số ngày càng phong phú, việc dạy và học đã phát huy được vai trò sáng tạo của các chủ thể giáo dục, dần tiệm cận tới mục tiêu giáo dục chủ động, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Triển khai đẩy mạnh Giáo dục STEM trong trường học theo định hướng phát triển giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các cơ sở giáo dục đã thành lập các câu lạc bộ giáo dục STEM để hướng dẫn học sinh tham gia nghiên cứu khoa học. Tổ chức tốt cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh với nhiều sản phẩm trí tuệ mang tính lứa tuổi, tạo sân chơi trí tuệ bổ ích và kích thích lòng say mê nghiên cứu khoa học của giáo viên và học sinh. Trong 10 năm (từ 2013 đến 2023) đã có 287 dự án đạt giải tại cuộc thi cấp tỉnh; 22 dự án đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.

Giai đoạn 2019 -2022, Sở Nội vụ chủ trì tổ chức 88 lớp cho khoảng 11.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã; thực hiện tuyển dụng công chức, tổ chức thi nâng ngạch chuyên viên chính, thanh tra viên chính với quy trình đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho 700 đối tượng lãnh đạo cấp xã thông qua nền tảng học trực tuyến; tổ chức tập huấn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho 4.200 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp trên địa bàn tỉnh tham gia; tổ chức tập huấn “Nâng cao nhận thức chuyển đổi số, hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác triển khai Đề án 06" và “An toàn thông tin" cho khoảng 5.000 lượt cán bộ, công chức tham gia; tổ chức khoảng 30 lớp tập huấn về kỹ năng số tại UBND cấp huyện, cấp xã; tổ chức khoảng 10 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng cho cán bộ quản trị mạng của các cơ quan, thành viên Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng.

Tổ công nghệ số cộng đồng các cấp đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ cho nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các nền tảng số như phần mềm tập huấn giáo viên, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dạy học trực tuyến; sổ sức khỏe điện tử phần mềm tiêm chủng mở rộng; thanh toán số; hướng dẫn đăng ký cài đặt và sử dụng các tài khoản thanh toán điện tử, mô hình chợ 4.0 thanh toán số; sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số; tham gia sàn thương mại điện tử...

Có trên 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hà Nam triển khai 03 sàn thương mại điện tử, được trên 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia với 250 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn. Số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò và Postmart trên địa bàn: 14.463 giao dịch.

Cơ sở hạ tầng đô thị: Đang từng bước hệ thống hóa xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng, đô thị liên thông; hệ thống dữ liệu nhà ở và thị trường bất động sản được tiếp tục xây dựng và cập nhật hằng năm; cung cấp thông tin về các dịch vụ công cộng trong đô thị như giám sát và cảnh báo về chất lượng nước, không khí, tiếng ổn trong độ thị.

Quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực tỉnh: Lưới điện truyền tải 220kV và lưới điện phân phối đến 110kV được đầu tư xây dựng phù hợp với Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia, Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Hà Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tất cả các trạm biến áp truyền tải đều được lắp đặt hệ thống điều khiển, giám sát thu thập dữ liệu từ xa SCADA/EMS nhằm cung cấp cho đơn vị quản lý vận hành những thông tin quan trọng của các thiết bị trong trạm biến áp và cho phép thực hiện các lệnh điều khiển cần thiết để đảm bảo cho hệ thống hoạt động an toàn và có hiệu quả. Lưới điện được đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ các mục tiêu, kế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Nam. Lưới điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy có độ dự phòng cao, không xảy ra tình trạng quá tải, đảm bảo đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của phụ tải điện trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo đủ nguồn điện, chất lượng điện phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là giải quyết cấp điện cho các doanh nghiệp trọng điểm, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chiếu sáng đường phố và chiếu sáng các khu công cộng đã được điều khiển tự động bán thông minh như điều khiển thời gian bật, tắt đèn, điều khiển số lượng đèn chiếu sáng theo từng khoảng thời gian.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đã được UBND tỉnh phê duyệt có 4 Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích đất quy hoạch là 496,9 ha. Thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư vào 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (trong đó có 4 doanh nghiệp đã đầu tư và sản xuất, 01 doanh nghiệp đang đầu tư), giá trị sản xuất tại các khu nông nghiệp công nghệ cao đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra, trong đó nổi bật là các khu nhà kính công nghệ cao của các doanh nghiệp trồng dưa chuột, cà chua, dưa lưới. Đối với những diện tích sản xuất ngoài trời, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap, ứng dụng một phần công nghệ cao trong một số khâu sản xuất. Các doanh nghiệp trong các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo đúng thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc đầu tư các công trình hạ tầng ngoài hàng rào các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát huy được hiệu quả đáp ứng được giao thông, thông tin liên lạc, công tác tưới, tiêu, phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một phần diện tích sản xuất của các địa phương. Các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động hiệu quả đã trở thành hạt nhân dẫn dắt các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trong toàn tỉnh học tập, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ra các sản phẩm nông sản an toàn có chất lượng cao và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo giá trị với các cơ sở, doanh nghiệp; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam như các sản phẩm rau củ quả, các sản phẩm sữa.

Giáo dục thông minh: Việc ứng dụng công nghệ trong tổ chức quản lý và dạy học được nâng lên một tầm cao mới trong làn sóng phát triển công nghệ 4.0. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong thời gian chuyển việc dạy và học trực tiếp sang dạy và học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trên cơ sở khai thác tối đa các ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng E-learning hay các phần mềm dạy học trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom,… giáo viên và học sinh đều dễ dàng tham gia vào các lớp học được mở trên hệ thống thông qua máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh có kết nối Internet.

Y tế thông minh: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế triển khai ở 100% tuyến xã và tuyến huyện, liên thông cơ sở dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế toàn tỉnh, từng bước hướng đến bệnh viện thông minh, y tế thông minh. Các bệnh viện tuyến tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới trong nước và thế giới vào điều trị như: can thiệp mạch vành, phẫu thuật nội soi, điều trị đột quỵ, triển khai kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA).

Công tác phát triển mạng lưới, huy động vốn và đầu tư tín dụng: Trên địa bàn tỉnh hiện có 34 đơn vị đầu mối tổ chức tín dụng. Huy động vốn toàn địa bàn tỉnh đạt 68.049 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 5.172 tỷ đồng (8,23%). Dư nợ tín dụng đạt 65.849 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 819 tỷ đồng (1,28%). Công tác thanh toán bảo đảm kịp thời, chính xác, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán của các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước tỉnh; các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn dịch vụ thanh toán được tăng cường. Các tổ chức tín dụng đã phối hợp tốt trong việc cung cấp thông tin về ứng dụng phần mềm, tiện ích thanh toán phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức tín dụng đã cung cấp 992.000 tài khoản giao dịch cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Quy mô kinh tế của tỉnh được mở rộng qua từng giai đoạn, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (giá SS2010) năm 2019 đạt 35.495 tỷ đồng, năm 2020 đạt 38.062 tỷ đồng, năm 2021 đạt 41.430,2 tỷ đồng, gấp 14,3 lần so với năm 2005. Năm 2022 đạt: 45.881,4 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai 2016-2020 tăng 10,1%/năm; năm 2021 tăng 8,85% so với năm 2020; năm 2022 tăng 10,4%. Cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh: Năm 2019: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,03%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 57,03%, Dịch vụ chiếm 32,94%; năm 2020: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 9,64%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,75%, Dịch vụ chiếm 31,61%; năm 2021: Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 9,02%, Công nghiệp - xây dựng chiếm 61,07%, Dịch vụ chiếm 29,91%.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng Nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 33,84% năm 2005 giảm xuống còn 9,02% năm 2021; tăng dần tỷ trọng Công nghiệp - xây dựng từ 25,93% năm 2005 lên 61,07% năm 2021; năm 2022: Tăng dần tỷ trọng Công nghiệp - xây dựng 67,3%, Dịch vụ chiếm 24,63, Nông nghiệp thủy sản chiếm 8,1%.

Tổng số lao động đang làm việc của tỉnh: Năm 2019 là 486.872 lao động; năm 2020 là 486.921 lao động; năm 2021 là 492.178 lao động, tăng 1,02 lần so với năm 2005. Tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội năm 2019 đạt 28,6%; năm 2020 đạt 25,5%; năm 2021 đạt 25,0%, giảm 42,9% so với năm 2005; năm 2022 đạt 475.564 lao động.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (không bao gồm số bổ sung từ NSTW): Năm  2018 đạt 7.872 tỷ đồng; năm 2019 đạt 9.546,5 tỷ đồng; năm 2020 đạt 10.676,1 tỷ đồng; năm 2021 đạt 14.542,4 tỷ đồng; năm 2022 đạt 13.861,3 tỷ đồng.

GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành): Năm 2019 đạt 64,2 triệu đồng; năm 2020 đạt 69,6 triệu đồng; năm 2021 đạt 76,4 triệu đồng, gấp 12,9 lần so với năm 2005. Năm 2022 đạt 86,6 triệu đồng.

Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội: Năm 2019 thực hiện 32.468,3 tỷ đồng; năm 2020 là 34.326,9 tỷ đồng; năm 2021 là 35.718,8 tỷ đồng, gấp 21,0 lần so với năm 2005; năm 2022 là 39.500,2 tỷ đồng.

Chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các Tổ chức chính trị - xã hội đã có sự thay đổi rõ rệt. Hệ thống mạng giữa khối Đảng với khối Chính quyền đã dần được kết nối và đưa vào sử dụng để trao đổi một số nội dung cần thiết nhằm phát huy hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Hiện nay, hầu hết các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã sử dụng Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia; đã thực hiện ký số cho văn bản điện tử. Các cơ quan, đơn vị đã tăng cường ứng dụng, khai thác các nền tảng số phục vụ hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tiết kiệm thời gian và chi phí./.


Nguồn tin: Hanam.gov.vn

https://hanam.gov.vn/Pages/ket-qua-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-so-52-nqtw-ngay-2792019-cua-bo-chinh-tri-ve-mot-so-chu-truong-chinh-sach-ch.aspx



hanam.gov.vn