Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị bàn các giải pháp để khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ năm 2024.

Thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách  
Hội nghị bàn các giải pháp để khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ năm 2024.
Sáng ngày 3/10/2024, UBND thị xã Duy Tiên tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp khắc phục hậu quả do bão số 3 (Yagi) và mưa lũ gây ra. Đồng chí Ngô Văn Liên - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có sự tham dự của thủ trưởng của các cơ quan, đơn vị liên quan; lãnh đạo các ngân hàng nhà nước cùng Chủ tịch UBND, những hộ dân, doanh nghiệp của xã Mộc Bắc và Chuyên Ngoại. Đây là hai địa phương nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi bò sữa, doanh nghiệp sản xuất gạch bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bão, mưa lũ số 3 vừa qua.
           anh tin bai

                                                                         Các đại biểu tham dự tại hội nghị.

Trong đợt bão số 3 vừa qua, thiệt hại sau bão, mưa lũ trên địa bàn thị xã đã được thống kê lên tới 170 tỷ đồng và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. UBND thị xã Duy Tiên đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng công an, quân sự, triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống bão, góp phần giảm thiểu đáng kể thiệt hại. Trước và sau khi bão đổ bộ, mưa lũ kéo dài lực lượng công an và quân sự đã chủ động giúp đỡ di dời người dân khỏi những khu vực nguy hiểm, đồng thời hỗ trợ bảo vệ tài sản, gia súc, gia cầm của các hộ dân.

           anh tin bai
           anh tin bai

                                           Các đại biểu của các xã, người dân, doanh nghiệp phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện hai xã, doanh nghiệp tại địa phương đã báo cáo cụ thể về tình hình thiệt hại. Theo báo cáo, xã Mộc Bắc và Chuyên Ngoại là 2 địa phương có vị trí nằm cạnh đê bối của sông Hồng và sông Châu Giang nên bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề nhất. Trong đó, các hộ dân chăn nuôi bò sữa và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều gia súc, thủy sản, máy móc, nhà xưởng bị tốc mái, cuốn trôi, chết do ngập úng kéo dài. Hoa màu bị hư hại, nhiều diện tích bị ngập sâu trong nước, hàng loạt cây xanh bị gãy đổ. Sau bão, thiếu hụt nguồn thức ăn cho gia súc, công tác dọn dẹp, cải tạo sau bão kéo dài ảnh hưởng lớn đến tiến độ phục hồi sản xuất của các hộ, doanh nghiệp.

           anh tin bai

                                               Các cơ quan chuyên môn phát biểu đề xuất các giải pháp tại hội nghị.

Trước tình trạng này, các cơ quan chuyên môn đã đề xuất hàng loạt giải pháp thiết thực để nhanh chóng khôi phục đời sống và sản xuất cho người dân. Đặc biệt, tập trung xem vào việc hỗ trợ nuôi trồng thủy sản, gia súc, cải thiện hệ thống thủy lợi và khắc phục hạ tầng giao thông bị ảnh hưởng. Đồng thời các cơ quan, đơn vị cũng đánh giá, xem xét Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời cho người dân.

           anh tin bai

                                          Lãnh đạo Ngân hàng Agribank Duy Tiên Hà Nam phát biểu tại hội nghị.

Đại diện các ngân hàng nhà nước, cơ quan thuế cũng đưa ra các gói hỗ trợ tài chính, trong đó có chính sách cho vay ưu đãi, giảm lãi suất và gia hạn nợ; gia hạn và giảm mức thuế giúp người dân, doanh nghiệp để có nguồn vốn, cắt giảm chi phí phục vụ tái thiết sau bão.
           anh tin bai

                        Đồng chí Ngô Văn Liên - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Liên - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của người dân, địa phương, các cơ quan, đơn vị đã thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống trước và sau bão, mưa lũ đồng thời đồng chí nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, địa phương để triển khai các biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp. Các địa phương cần rà soát, đánh giá chính xác mức độ thiệt hại của các hộ bị ảnh hưởng để thống kê thiệt hại, hoàn thiện thủ tục hướng dẫn các hộ kê khai đảm bảo chính sách hỗ trợ phù hợp. Tăng cường công tác giám sát, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu quả trong triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân theo nguồn ngân sách của nhà nước và từ các tổ chức xã hội khác. Phòng Kinh tế tham mưu cho UBND thị xã để ban hành cơ chế, chính sách đối với sản xuất cây vụ Đông phục vụ nguồn thức ăn cho gia cầm, gia súc sau bão. Các ngân hàng, cơ quan thuế cần nhanh chóng triển khai các chính sách tài chính ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vay vốn, tái đầu tư sản xuất, giảm thiểu tác động lâu dài do thiên tai, từ đó khôi phục và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững./.

Tin liên quan