Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Gặp gỡ những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Duy Tiên

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Gặp gỡ những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Duy Tiên
Ở huyện Duy Tiên, khi nhắc đến những mô hình phát triển kinh tế, không thể không nhắc đến những người phụ nữ năng động, sáng tạo có cách làm kinh tế khá hiệu quả đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương- họ là những người phụ nữ đảm đang được nhiều người nể phục và học tập làm theo

Tiếp tôi trong ngôi nhà khang trang được xây dựng theo kiểu biệt thự, chị Nguyễn Thị Thúy, ở thôn Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại hồ hởi chia sẻ về cách làm giàu của gia đình mình; Trước kia, gia đình chị chăn nuôi nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh, lứa được lứa mất, đời sống vẫn khó khăn, mãi đến năm 2014, chị Thúy mới mạnh dạn bàn với chồng thuê thêm đất của xã cộng với ruộng nhà mình được 1,5 mẫu, vay tiền từ các kênh như ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn, nguồn vốn từ chương trình giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín, nuôi trên 1000 gà ta sinh sản, gà thương phẩm và hơn 200 con lợn thịt, đào ao nuôi trên 300 con ba ba gai. Do nhiều năm chăn nuôi nên chị có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, vì thế khi đầu tư chăn nuôi trang trại khép kín, chị Thúy khá thành công từ mô hình này, ít dịch bệnh lại gặp thời điểm giá cả ổn định nên vợ chồng chị thu được một khoản tiền khá ngay từ mấy năm đầu xây dựng trang trại. Có nguồn vốn, chị Thúy tiếp tục đứng ra mở đại lý cám cho một số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi có uy tín và đầu tư mua thêm 4 xe ô tô tải chuyên chở cám giao bán cho các đại lý nhỏ trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, thuê 7 công nhân vào làm với mức lương chi trả từ 5 đến 9 triệu đồng/tháng. Trung bình mỗi ngày đại lý nhà chị xuất khoảng 40 tấn cám. Hàng năm thu lãi trên, dưới 2 tỷ đồng. Mặc dù thu nhập của gia đình tương đối cao so với những năm trước, nhưng để tiếp tục mở rộng làm ăn, chị Thúy vẫn rất muốn ngân hàng nông nghiệp hay ngân hàng chính sách xã hội huyện tạo điều kiện nâng mức cho vay cao hơn để những người như chị được vay vốn mở rộng quy mô trang trại.

Khác với chị Nguyễn Thị Thúy, bà Nguyễn Thị Hồng cũng ở Lỗ Hà, xã Chuyên Ngoại năm nay đã 66 tuổi nhưng vẫn quyết tâm vay vốn từ chương trình giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách xã hội huyện cộng với số vốn tích cóp được của hai ông bà để làm kinh tế ngay trên mảnh đất của nhà mình và thầu thêm của bà con trong thôn để quy hoạch 1 mẫu trồng 200 cây bưởi diễn, bưởi thồ và nuôi gà thả vườn. Tuy vườn cây mới được trồng vài năm nhưng chuẩn bị cho thu hoạch, đàn gà xuất bán lứa gối lứa cũng cho thu nhập đáng kể. Bà Hồng cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục được vay vốn từ các kênh của Ngân hàng chính sách xã hội, Hội LHPN xã. 

Khi nhắc đến mô hình trồng cam của vợ chồng chị Nguyễn Thị Yên ở thôn Từ Đài, xã Chuyên Ngoại hẳn ai cũng trầm trồ khen ngợi, bởi sự năng động, dám nghĩ dám làm, chịu thương, chịu khó của hai vợ chồng chị. Đến nay, mô hình 13 mẫu cam của nhà chị Yên mỗi năm cho thu hoạch từ 50 đến 60 tấn quả, bán với giá giao động từ 20 đến 40 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, vợ chồng chị thu về gần tỷ đồng/năm. Do biết cách chăm bón, cam nhà chị Yên ăn rất ngọt và thơm nên được nhiều người ưa thích. Cứ vào vụ là khách mua lẻ, các thương lái đến thu mua tấp nập. 

Thực hiện nhiệm vụ “vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững". Thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trong huyện đã có nhiều việc làm thiết thực để hỗ trợ chị em phụ nữ vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương như; đứng ra tín chấp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội thông qua các tổ tiết kiệm vay vốn, Ngân hàng SHB chi nhánh Hà Nam, huy động tiết kiệm tại chi tổ, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm làm ăn…Vì vậy, không chỉ trên địa bàn xã Chuyên Ngoại mà các địa phương khác trong huyện cũng xuất hiện rất nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, với những mô hình hay, cách làm sáng tạo đem lại thu nhập cao cho gia đình và giải quyết việc làm cho nhiều chị em phụ nữ. Đánh giá về những việc làm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và hiệu quả của các mô hình, bà Chu Thị Hồng - Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Trong thời gian qua, Hội LHPN huyện đã tổ chức nhiều hoạt động như tập huấn kiến thức kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm giúp cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp trong sản xuất, chăn nuôi, đặc biệt khai thác các nguồn vốn, quỹ để tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Qua đánh giá các mô hình đều đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các gia đình hội viên phụ nữ nâng cao đời sống cũng như môi trường sạch trong sản xuất chăn nuôi".

Quả thực, với sự năng động, dám nghĩ, dám làm nhiều chị em phụ nữ trong huyện đã vươn lên khẳng định vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Những người phụ nữ mà tôi có dịp gặp gỡ ở Chuyên Ngoại là một trong những phụ nữ tiêu biểu như thế trong phát triển kinh tế. Mong rằng trong thời gian tới ở Duy Tiên sẽ có nhiều gương phụ nữ làm kinh tế giỏi, góp phần cùng với địa phương giảm nghèo bền vững./.

Bài viết: Ánh Tuyết