Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bộ Quốc phòng đề xuất sửa Luật nghĩa vụ quân sự

Thông tin Kinh tế xã hội  
Bộ Quốc phòng đề xuất sửa Luật nghĩa vụ quân sự
Luật Nghĩa vụ quân sự có hiệu lực từ năm 2016, qua 6 năm thi hành, Bộ Quốc phòng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, luật vẫn còn những vướng mắc, bất cập.
 

Bộ Tư pháp vừa dự thảo tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó nghiên cứu, rà soát Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) 2015.

Luật NVQS hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Qua sơ kết, đánh giá 6 năm thi hành luật, Bộ Quốc phòng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, luật vẫn còn những vướng mắc, bất cập.

Dự kiến, Chính phủ xem xét tờ trình vào tháng 12/2023. Trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Quy định hiện hành công dân nam đủ 17 tuổi trong năm phải trực tiếp đến cơ quan đăng ký NVQS. Công dân trúng tuyển cao đẳng, đại học khi nhập học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Công dân khi thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc trong thời hạn 10 ngày phải làm thủ tục di chuyển đăng ký NVQS.

Bộ Quốc phòng đề xuất sửa Luật nghĩa vụ quân sự
Thanh niên lên đường nhập ngũ. Ảnh minh hoạ: Như Sỹ

Tuy nhiên đối chiếu với các quy định của pháp luật có liên quan (Luật cư trú) và thực tiễn cho thấy quá trình thực hiện việc đăng ký di chuyển NVQS gặp bất cập. Trong đó, còn tình trạng công dân trong độ tuổi thực hiện NVQS không đăng ký di chuyển NVQS từ địa phương nơi đăng ký NVQS lần đầu đến nơi làm việc mới. 

Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, công tác đăng ký, quản lý NVQS chưa thành nề nếp, thực hiện đăng ký di chuyển NVQS khi nhập học và đăng ký di chuyển sau khi tốt nghiệp về địa phương, đến nơi làm việc hoặc thôi học chưa chặt chẽ.

Qua đó, tạo kẽ hở để một số công dân trong độ tuổi nhập ngũ trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Ngoài ra, quy định là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động thì được xem xét tạm hoãn gọi nhập ngũ.

Tuy nhiên, quy định “người không còn khả năng lao động” thiếu chi tiết, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện xét duyệt đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, ảnh hưởng công bằng xã hội. Vì, người không còn khả năng lao động, được hiểu là người suy giảm % khả năng lao động, cũng có thể hiểu là người đã hết tuổi lao động, có lương hưu, không có lương hưu...

Hay quy định công dân đang được đào tạo trình độ đại học, cao đẳng hệ chính quy sẽ được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo. Tuy nhiên, những trường hợp được gia hạn học thêm, lưu ban, nợ môn, thi lại tốt nghiệp chưa được quy định cụ thể, dẫn đến tình trạng công dân lợi dụng để trốn tránh gọi nhập ngũ…

Việc gọi khám sức khỏe thực hiện NVQS và thực hiện nghĩa vụ tham gia CAND quy định tại Điều 40 cũng bộc lộ vướng mắc, bất cập khi một Hội đồng NVQS nhưng đang có hai thẩm quyền gọi khám sức khỏe gây bất cập về chất lượng giao, nhận quân và tạo kẽ hở để lọt nguồn công dân gọi nhập ngũ, khó khăn trong quá trình giao chỉ tiêu gọi công dân nhập ngũ.

Liên quan số lần gọi nhập ngũ trong năm, Bộ Quốc phòng cho biết, theo Luật NVQS năm 2015, tổ chức tuyển quân một đợt trong năm đã tạo thuận lợi cho địa phương giao quân, hạn chế đơn thư liên quan về tạm hoãn NVQS tại ngũ dịp công dân trúng tuyển đại học, cao đẳng nhập học (tháng 9 hằng năm).

Do đó, việc tuyển quân một đợt trong năm dẫn đến tình trạng một số đơn vị quân, binh chủng kỹ thuật thiếu hạ sĩ quan, binh sĩ là nhân viên chuyên môn kỹ thuật (trong khoảng thời gian huấn luyện chiến sĩ mới và thời gian đào tạo chuyên môn kỹ thuật) nhiều hơn so với tuyển quân hai đợt/năm.

Tuy nhiên, nếu thực hiện tuyển quân hai đợt trong năm cũng không khắc phục được triệt để tình trạng trên và còn gây xáo trộn, tốn kém, đặc biệt sẽ phát sinh nhiều đơn thư liên quan đến tạm hoãn NVQS tại ngũ vào thời điểm tuyển quân đợt hai như trước khi có Luật NVQS năm 2015 (tuyển quân 2 đợt/năm).

Từ thực tế trên, Bộ Quốc phòng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NVQS năm 2015 trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.

 Theo vietnamnet.vn