Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Bảo đảm nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

                20240802081903-1012.jpg

  Cán bộ đoàn cơ sở tham dự chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, ứng xử trên không gian mạng. Ảnh: Hải Yến

Thực trạng phát triển nhân lực số

Nhằm tăng cường nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về CĐS, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tại Hà Nam, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT từ tỉnh đến cơ sở.

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay, mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có cán bộ chuyên trách về CNTT, trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Nhân lực quản trị và vận hành hệ thống Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đều có trình độ đại học trở lên về CNTT. Ngoài ra, một số cán bộ, công chức, viên chức đã có các chứng chỉ quốc tế chuyên ngành công nghệ mạng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, địa phương có chứng chỉ ứng dụng CNTT cơ bản theo Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT, ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT.

Xác định rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong công cuộc CĐS, tỉnh đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh. Đội có nhiệm vụ tổ chức điều phối, hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT và tổ chức ứng cứu các sự cố máy tính, mạng máy tính trên địa bàn. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới CĐS rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, trở thành lực lượng nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu CĐS trên địa bàn. Cụ thể, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 109 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 686 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn (đạt tỷ lệ 100%) với tổng số khoảng 4.000 thành viên tham gia. Trong đó, lực lượng chủ chốt là đoàn viên, thanh niên và hội viên hội phụ nữ, hội nông dân…

Ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Tổ công nghệ số cộng đồng đang là nguồn nhân lực quan trọng góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS trên địa bàn. Thời gian qua, thành viên các tổ đã thực hiện rất tốt việc “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, trực tiếp hướng dẫn người dân cài đặt, nắm bắt kỹ năng sử dụng các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản trên điện thoại thông minh, như: phầm mềm đọc báo miễn phí, thanh toán không dùng tiền mặt, định danh điện tử cá nhân, bảo hiểm xã hội... Tại các thôn, tổ dân phố, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng đã thành lập các nhóm zalo cộng đồng để trao đổi, tuyên truyền, hướng dẫn người dân CĐS.

Qua các hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, toàn tỉnh có khoảng 500 đường internet được người dân đăng ký mới; hàng nghìn thuê bao đi động nâng cấp lên sim 4G; hàng trăm tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt được đăng ký; hàng chục doanh nghiệp đăng ký sử dụng chữ ký số... Qua đó, góp phần lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy CĐS trong toàn xã hội.

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực số

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, phát triển nhân lực số trên địa bàn tỉnh mặc dù đã đạt những kết quả tích cực, nhưng nhìn chung nguồn nhân lực CNTT phục vụ CĐS của tỉnh hiện nay còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Để giải bài toán nhân lực số, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chuyên trách CNTT; cử cán bộ có năng lực tham gia các khóa đào tạo về quản trị mạng, an toàn, bảo mật thông tin; xây dựng chính sách thu hút, hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tăng cường, giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn cao về CNTT, an toàn thông tin phục vụ CĐS của tỉnh.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 6 lớp tập huấn CĐS và quy trình số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho khoảng 1.150 học viên là cán bộ phụ trách bộ phận "một cửa" của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh; tập huấn CĐS và hướng dẫn đăng ký chữ ký số cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cho 350 học viên tại huyện Thanh Liêm.

Ngoài ra, sở còn tổ chức nhiều hội nghị CĐS doanh nghiệp; hội nghị tư vấn giải pháp CĐS cấp huyện; hội nghị chuyên đề về vai trò, tầm quan trọng của CĐS và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Nam và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel; tập huấn CĐS cho cán bộ chủ chốt tỉnh; triển khai các khóa bồi dưỡng về CĐS cho thành viên Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; nhân sự CĐS của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã; lãnh đạo và nhân sự CĐS tại các cơ quan báo chí, truyền thông qua hình thức trực tuyến trên nền tảng học trực tuyến MOOCs tại địa chỉ https://chuyendoiso.mobiedu.vn.

Hằng năm, sở còn tổ chức tập huấn và diễn tập phòng, chống tấn công phá hủy, lộ lọt dữ liệu cho các thành viên đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các cấp bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến thông qua hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ CĐS, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1379/KH-UBND, ngày 18/7/2024 về bồi dưỡng, tập huấn CĐS trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CĐS gắn với vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước, cơ quan báo chí, truyền thông để thúc đẩy quá trình CĐS quốc gia, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; khai thác, sử dụng dữ liệu số hiệu quả, góp phần đưa hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp lên môi trường mạng một cách an toàn; tập huấn kỹ năng số cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân; tổ chức các khóa học để phổ cập kỹ năng số cơ bản miễn phí cho người dân trên nền tảng học trực tuyến mở đại trà (MOOCs)…


Nguồn tin : https://baohanam.com.vn/